Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Chung quanh vấn đề đào tạo chuyên ngành Dân tộc nhạc học

Vĩnh Phúc
Nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam theo hướng Dân tộc nhạc học thật ra đã manh nha từ đầu thế kỷ 20. Đã có khá nhiều bài nghiên cứu, chuyên khảo, chủ yếu là của các tác giả  người Pháp, đăng trên các tạp chí bằng tiếng Pháp như: Tạp chí Đông Dương (Revue indochinoise), Tập san Nghiên cứu Đông Dương (Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises- B.S.E.I), Tập san Những người bạn Huế xưa (Bulletin des Amis du Vieux Hué -B.A.V.H).., cũng như tạp chí tiếng Việt: Nam Phong, Viễn Á, Tri Tân, Thanh Nghị v.v... Sớm nhất là bài khảo cứu “ Ghi chú về nguồn gốc những bài hát dân gian  Annam “(Note sur  l’origine des chants populaires annamites của A.Chéon, một tác giả người Pháp đăng trong tập san Nghiên cứu Đông Dương (BSEI), số 14 năm 1889, và  “Dân ca Việt Nam” của Lê Văn Phát trong tạp chí Viễn Á năm 1925, sách nói về Hát trống quân của ông Nguyễn Văn Huyên in năm 1934 (Les chantsn alternés des garcons et des filles en Annam – Hát đối giữa trai gái Việt Nam), mà phần âm nhạc, chủ yếu là giới thiệu tiết tấu của trống quân v.v…
Những hoạt động trên lĩnh vực nghiên cứu, phê bình âm nhạc cổ truyền, thực sự có phương hướng rõ rệt là từ đầu thập niên 50, sau hội nghị Văn hóa văn nghệ toàn quốc năm 1948, nhất là từ sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, việc tổ chức lại đội ngũ đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phê bình, sưu tầm âm nhạc cổ truyền có quy mô, quy hoạch và khoa học. Chẳng hạn, tại quê hương Quan họ, đã có nhiều nhóm nghiên cứu mà thành viên là các nhạc sĩ chuyên nghiệp đã tổ chức những cuộc điền dã quy mô, dài ngày ở các trọng điểm hát quan họ của tỉnh Bắc Ninh. Trên các tạp chí, tập san, tuần báo, nhật báo cũng đã có đăng tải hầu hết các bài lý luận, phê bình, khảo cứu âm nhạc cổ truyền đặc trưng của các vùng, miền. Đặc biệt là dân ca, dân nhạc của các dân tộc ít người, mà trước năm 1945 chưa bao giờ được biết đến.
Cũng từ năm 1956, trong chuyên khảo Dân ca và xã hội, nhà hoạt động văn hóa Tử Phác đã nêu ra mối quan hệ tương tác giữa dân ca và hoạt động xã hội, đi sâu về khái niệm Dân ca - nhịp điệu, âm điệu cũng như mối quan hệ giữa nhịp điệu và âm điệu…mục đích để hiểu đúng giá trị của dân ca nhạc cổ, qua đó, nhằm nhấn mạnh vấn đề chính là sưu tầm, nghiên cứu và phát triển dân ca cần có một cách thức tiếp cận đúng đắn. Bài viết như một sự tổng kết, đánh giá, phê bình công tác phê bình âm nhạc, nghiên cứu, phát triển dân ca Việt Nam trong 10 năm: 1945 - 1955.1
Trong những nghiên cứu đầu tiên theo hướng âm nhạc dân tộc học là của các tác giả Tú Ngọc, Tô Vũ, Lưu Hữu Phước, Hồng Thao, Sơn Tùng, Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Viêm, Nguyễn Thụy Loan v.v… Càng về sau, những năm cuối thể kỷ 20, một số nhà nghiên cứu trẻ kế thừa thành quả, tiếp bước theo con đường nghiên cứu của những người đi trước… Tuy vậy, đội ngũ nghiên cứu theo hướng Âm nhạc dân tộc học lớp trước đến nay cũng vẫn đang “độc hành”, chỉ truyền thụ cho lớp sau theo kiểu “truyền đạt kinh nghiệm” chứ không phải chính danh là “đào tạo” đội ngũ nghiên cứu Âm nhạc dân tộc học của tương lai. Vì thế,  trong thực tế nghiên cứu âm nhạc nước ta, mặc dù có sự tự học, hội nhập, tiếp cận với khuynh hướng nghiên cứu Âm nhạc dân tộc học của một số nước trên thế giới nhưng đa số, chưa thể có sự phân chia ra rạch ròi giữa âm nhạc học (Musicology) và Âm nhạc dân tộc học (Ethnomusicology).
Cũng vì sự cấp thiết trong lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc cổ truyền, đến năm 1981, một số nhà nghiên cứu Dân tộc học trong một bài viết đã như một lời kêu gọi giới nghiên cứu âm nhạc nên phối hợp nghiên cứu liên ngành, nhất là với ngành dân tộc học. Vì theo ông, “người nghiên cứu chỉ hiểu được đầy đủ nền âm nhạc truyền thống của một nước một khi nghiên cứu nó dưới góc độ lịch sử, tổ chức xã hội, đời sống vật chất và tinh thần, tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc đó thay đổi qua dòng thời gian”.2 Chính điều này từ năm 1979 cũng đã được nhà khoa học âm nhạc – GS. Tô Ngọc Thanh gợi mở bằng mười đặc điểm cơ bản trong nghiên cứu âm nhạc dân gian như là: “Tính tổng thể nguyên hợp; mang bản chất xã hội; tính thực hành xã hội; tính trình diễn; tính truyền khẩu; tính dị bản; tính tập thể  hay tính khuyết danh” v.v...3  Sự “nghiên cứu liên ngành” đó là gì nếu không phải là một trong những chức năng chính của Âm nhạc dân tộc học.
Thực trạng đào tạo đội ngũ nghiên cứu phê bình âm nhạc của chúng ta từ trước đến nay, chủ yếu là chuyên ngành Lý luận âm nhạc. Dù được đào tạo từ bậc trung học 4 năm rồi đại học 4,5 năm nhưng khối kiến thức âm nhạc học lại nặng về âm nhạc cổ điển phương Tây, như hòa âm, phức điệu, phối khí cho dàn nhạc giao hưởng, lịch sử âm nhạc phương Tây v.v… Vì vậy, một số sinh viên lý luận âm nhạc ra trường, với vốn kiến thức đã được học thường phải mày mò, tự học thêm để trang bị cho mình một số kiến thức thuộc lĩnh vực dân tộc học, văn hóa học… nếu có ý tưởng, cũng như sự đam mê nghiên cứu lĩnh vực nhạc cổ truyền của đất nước mình.
- Ở nước ta, từ lâu đã có một Viện âm nhạc (nay thuộc Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam) với lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn âm nhạc di sản đã hoạt động như một Viện âm nhạc dân tộc học… nhưng hầu như chưa có đối tượng tiếp cận một cách “chính danh” với khối tư liệu là di sản âm nhạc của các tộc người trên mọi miền đất nước, được lưu trữ tại Viện. Đối tượng cần thiết đó là ai, đó chính là đội ngũ sinh viên được đào tạo theo chuyên ngành Âm nhạc dân tộc học.
- Học viện âm nhạc Huế được phép thành lập khoa Âm nhạc di sản để đào tạo các di sản âm nhạc thuộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên, tuy nhiên, để tạo tiền đề cho việc mở chuyên ngành Âm nhạc dân tộc học, vừa qua Học viện đã được phép liên kết mở thử nghiệm chuyên ngành không chính quy về Đàn hát Dân ca Việt Nam…
- Để bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc di sản của dân tộc một cách hoàn chỉnh, quy mô, khoa học trong thời kỳ hội nhập, tương thích với xu hướng nghiên cứu của thế giới… Đã đến lúc, trong đào tạo bậc đại học âm nhạc, việc đào tạo chuyên ngành Âm nhạc dân tộc học để đào tạo đội ngũ có kỹ năng nghiên cứu chuyên sâu về dân ca dân nhạc của 54 dân tộc Việt Nam hiện nay là điều cấp thiết.
Tháng 12 - 2011, Học viện âm nhạc Huế với sứ mệnh, chức năng được giao, đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Đào tạo chuyên ngành Âm nhạc dân tộc học tại Học viện âm nhạc Huế” nhằm cùng chia sẻ, trao đổi ý kiến của các nhà khoa học, cũng như các nhà nghiên cứu hằng quan tâm đến lĩnh vực này…  phục vụ cho việc giảng dạy Chuyên ngành Âm nhạc dân tộc học (hay Dân tộc nhạc học) - chuyên ngành nằm trong mã ngành Âm nhạc học - một cách đúng hướng và hiệu quả.
Hội thảo đã thảo luận, trao đổi ý kiến về nhu cầu xã hội, sự cần thiết và dự báo tương lai của chuyên ngành Âm nhạc dân tộc học tại Việt Nam; Về chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo… của chuyên ngành Âm nhạc dân tộc học ở Học viện âm nhạc Huế; Kinh nghiệm đào tạo chuyên ngành này ở một số nước trên thế giới… cũng như một số vấn đề khác có liên quan.
- Về nội dung, chương trình đào tạo: Ở nước ta từ năm 1978 đã có đề án môn Âm nhạc dân tộc học Việt Nam do GS. TSKH Tô Ngọc Thanh soạn thảo.4 Sau đó đổi thành tên môn học Âm nhạc dân tộc cổ truyền dạy cho sinh viên khoa Sáng tác Lý luận Chỉ huy nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam). Gần đây, GS.TS Phạm Minh Khang có xây dựng đề cương, chương trình môn học “Dân tộc nhạc học” cho đối tượng sinh viên chuyên ngành Lý luận âm nhạc.
Do chưa có riêng một chuyên ngành Âm nhạc dân tộc học nên chương trình trên chỉ được giảng dạy như một môn học bổ trợ kiến thức chung cho chuyên ngành khác. Môn Âm nhạc dân tộc cổ truyền đã nêu ở trên, được dạy cho chuyên ngành lý luận, chuyên ngành Sáng tác, chuyên ngành Chỉ huy và kể cả các ngành biểu diễn nhạc cụ Tây phương, biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Thời lượng môn học là ba học kỳ, sau rút xuống hai học kỳ và cuối cùng chỉ còn lại một học kỳ. Đây là một bất cập.
Nội dung hai môn học nêu trên được các tác giả soạn thảo, với khối lượng kiến thức đặc thù của Âm nhạc dân tộc học, tự thân đã vượt qua giới hạn của một môn học. Vì vậy, muốn hoàn thành đáp ứng được khối lượng kiến thức đó thôi, thì môn Âm nhạc dân tộc học phải được đào tạo theo một chuyên ngành riêng. Chúng tôi xin trích nội dung chương trình giảng dạy đại học môn Âm nhạc dân tộc học của một trong hai đề cương đã được soạn thảo kể trên:
A.          Những vấn đề chung
1. Lý thuyết của âm nhạc cổ truyền (nếu có)
2. Phương pháp điền dã. Kỹ thuật sử dụng các loại phương tiện nghe nhìn. Phương pháp phỏng vấn sâu. Thiết lập quan hệ với người bản xứ.
3. Phương pháp xở lý tư liệu và viết công trình
4. Đạo đức của nhà Âm nhạc dân tộc học.
5. Những kiến thức cơ bản về sử học dân tộc, dân tộc học, ngôn ngữ học, thi pháp, tôn giáo tín ngưỡng, tín hiệu học và ký hiệu học.
6. Giới thiệu những đặc điểm chung nhất của âm nhạc các dân tộc Việt Nam.
7. Những thành tố của âm nhạc Việt Nam.
B. Những vấn đề kỹ năng âm nhạc
1. Tính chức năng của các thể loại dân ca và phương pháp phân loại
2. Mối quan hệ nhạc và lời trong dân ca. Vai trò của nó trong việc hình thành các đặc điểm âm nhạc của dân ca. Những vấn đề âm điệu. Chọn lựa và tổ chức âm thanh.
3. Quy luật phân ngắt và liên kết. Các vấn đề nhịp điệu.
4. Vai trò của cấu trúc âm nhạc. Các dạng cấu trúc.
5. Sơ lược về lịch sử phát triển nhạc cụ và vai trò âm nhạc của chúng.
6. Âm thanh học trong âm nhạc
….
10. Nhạc cụ học và phương pháp phân loại.
11. Nhạc đàn và các biên chế dàn nhạc 5
Nội dung môn học trên đã vượt ngưỡng của một môn học bổ trợ kiến thức nhưng chưa phải vì thế mà trở thành một giáo trình chuyên ngành Âm nhạc dân tộc học (Ethnomusicology) đúng nghĩa…
Thông tư số 28/2010/TT-BGDĐT ngày 01/11/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành chương trình khung giáo dục đại học khối ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thông tin, trình độ đại học và cao đẳng, trong đó có ngành đào tạo Âm nhạc học (Musicology) với khối kiến thức cần nắm vững là những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn; hệ thống kiến thức về lĩnh vực Âm nhạc học: lịch sử và lý luận âm nhạc; Phê bình âm nhạc; Âm nhạc dân tộc học.
        Như vậy, Âm nhạc dân tộc học (hay Dân tộc nhạc học) - chuyên ngành nằm trong mã ngành Âm nhạc học. Khung chương trình với khối lượng kiến thức ngành Âm nhạc học gồm danh mục các học phần bắt buộc như sau:
Ngành đào tạo:           ÂM NHẠC HỌC (Musicology) 6
Trình độ đào tạo: Đại học
Thời gian đào tạo: 4 năm                                
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Mục tiêu chung
Chương trình đào tạo ngành Âm nhạc học trình độ đại học nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về Âm nhạc học để có năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo.
Phần mục tiêu kiến thức, kỹ năng được đặt ra là: Nắm vững những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn; hệ thống kiến thức về lĩnh vực Âm nhạc học: lịch sử  và lý luận âm nhạc; Phê bình âm nhạc; Âm nhạc dân tộc học; Có kỹ năng sưu tầm, tổng hợp; đánh giá, nghiên cứu, phê bình âm nhạc…
Như vậy, chuyên ngành Âm nhạc dân tộc học nằm trong ngành đào tạo Âm nhạc học (mã ngành: 52210201). Các học phần bắt buộc là khối kiến thức chung, đều phải học như các chuyên ngành Lịch sử và Lý luận âm nhạc, chuyên ngành Phê bình âm nhạc hoặc các Ngành đào tạo khác nhưng cùng khối như Sáng tác âm nhạc (mã ngành: 52210203), Chỉ huy âm nhạc (mã ngành: 52210204). Các kiến thức chuyên sâu về Âm nhạc dân tộc học được phân bổ theo thời lượng chuyên ngành của nó. Ngoài ra còn có các học phần tự chọn, cũng là nơi sinh viên tự chọn để trang bị các kiến thức liên quan đến chuyên ngành, như dân tộc học, văn hóa học, âm thanh học v.v…
Vấn đề đào tạo Âm nhạc dân tộc học theo chuyên ngành, PGS.TS Nguyễn Thụy Loan cũng đã từng nhấn mạnh: “Để đào tạo những người làm Dân tộc nhạc học, cần có một chuyên ngành chứ không phải một môn học Dân tộc nhạc học phải được hiểu là một chuyên ngành đào tạo, chứ không phải là một môn học. Thậm chí, để có được kĩ năng thực hành cơ bản, chuyên ngành này cũng cần có những cấp học từ thấp tới cao…Nếu chỉ dừng ở một môn học, thì môn học này chỉ có giá trị như một môn bổ trợ kiến thức chung cho một chuyên ngành khác, và chỉ với môn học đó, khó có thể – nếu không khẳng định là không thể, đào tạo được những người có đủ kĩ năng để thực hiện tốt những công trình nghiên cứu Dân tộc nhạc học thực sự”…7
Về vấn đề ứng dụng việc đào tạo âm nhạc dân tộc học trên thế giới vào nước ta, cũng theo ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thụy Loan: “việc ứng dụng các chương trình đào tạo Dân tộc nhạc học của các nước khác vào Việt Nam,... cũng cần lưu tâm tới những chương trình có tính cập nhật nhất với thực tiễn nghiên cứu đương đại, đồng thời phải nghiên cứu, cân nhắc và chọn lọc cho phù hợp” 8
Thay lời kết, xin mượn lời của một nhà nghiên cứu âm nhạc: “Thực tế cho thấy, việc đào tạo lĩnh vực dân tộc nhạc học nếu không được tổ chức sớm và bài bản thì e rằng trong tương lai không xa, việc “gieo vừng ra ngô”, “râu ông nọ cắm cằm bà kia” trong phát huy âm nhạc truyền thống sẽ xảy ra, tương tự như hiện tượng “tân cổ giao duyên” đã diễn ra trong một số chương trình âm nhạc dân tộc, lễ hội văn hóa… gần đây.9                                                  
                                                                        V.P
Chú thích
1. Tử Phác, Dân ca và xã hội, Tập san Âm nhạc số 10, 11/1956 và số 1/1957
2. Đặng Nghiêm Vạn (1981), Vài ý kiến về nghiên cứu âm nhạc truyền thống, T/c NCNT, số 2.
3. Tô Ngọc Thanh (1979), Sơ lược về âm nhạc dân gian, T/c Âm nhạc, số 2.
4. Tô Ngọc Thanh, Phác thảo về Âm nhạc dân tộc học, nguồn: www.spnttw.edu.vn.
5. Tô Ngọc Thanh, Bài đã dẫn
D4801.htm
7. Nguyễn Thụy Loan, Trao đổi chung quanh vấn đề Dân tộc nhạc học ở Việt Nam, Nguồn: http://www.vnmusicology-inst.vnn.vn/vietnamese/
thongtin/
8. Bài đã dẫn.
9. Nguyễn Đình Lâm. Dân tộc nhạc học và một số vấn đề cần quan tâm,
Default.aspx
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Văn Khê (1958), Nhạc phương Đông, nhạc phương Tây, Bách Khoa, SG, số 16, 17, 18.
2. Đặng Văn Lung (1981), Sưu tầm nghiên cứu các âm nhạc dân gian nên tự đặt mình trong quan hệ văn nghệ dân gian, T/c Nghiên Cứu Nghệ Thuật số 2.

3. Tô Ngọc Thanh (1984), Âm nhạc dân gian trong cuộc sống cổ truyền của người Việt Nam, T/c Âm nhạc số 1.

Giới thiệu Sách Báo xưa ☛

Không có nhận xét nào: