Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Nghệ thuật hát Bả trạo miền Trung - Dẫn liệu từ hát Bả trạo Nam Trung Bộ


Vĩnh Phúc

Nghệ thuật diễn xướng Hò Bả trạo ở Nam Trung Bộ là một trong những thể loại diễn xướng dân gian lễ nghi, tín ngưỡng, đánh dấu một nét văn hóa tâm linh của cư dân vùng duyên hải. Đó cũng là một nét văn hóa truyền thống khá độc đáo của dân tộc Việt, phản ánh sinh động đời sống tinh thần và vật chất phong phú của cư dân sông nước vùng duyên hải miền Trung... 
Hò Bả trạo ở Nam Trung bộ mang đậm tính tổng thể nguyên hợp của văn hóa dân gian, tạo thành một loại hình nghệ thuật dân gian tổng hợp bởi sự tích hợp các trò diễn dân gian, các thể loại diễn xướng truyền thống của địa phương, và nỗi trội lên hàng đầu là yếu tố âm nhạc. Do sự giao thoa và vận dụng, sử dụng đa dạng về các các làn điệu, các kiểu lối hát từ các làn điệu dân ca của nhiều vùng, miền đã kéo theo sự phong phú sáng tạo về thang âm, giai điệu trong âm nhạc của nghệ thuật Hò Bả trạo. Đó là các lối hát có nguồn gốc trong hát Tuồng truyền thống; Các làn điệu dân ca Nam Trung bộ được sử dụng trong Hò Bả trạo; Các lối hát có nguồn gốc trong âm nhạc Phật giáo…
Miền Trung, bao gồm Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ là hai vùng văn hóa âm nhạc lớn của truyền thống âm nhạc dân gian cổ truyền Trung Bộ… Ngoài đặc tính tương đồng chung về thể loại của hình thức diễn xướng dân ca, dân nhạc trong tổng thể văn hóa âm nhạc cổ truyền Việt Nam, thì mỗi tiểu vùng đều mang dấu ấn đặc trưng về thể loại, gắn với môi trường diễn xướng đặc hữu của từng tiểu vùng: Đồng bằng, Duyên hải, Trường Sơn – Tây Nguyên…chứa đựng một trữ lượng văn hóa, nghệ thuật dân gian phong phú, dồi dào, đa dạng với các loại hình diễn xướng mang yếu tố lễ nghi phong tục và lễ nghi tín ngưỡng dân gian cần được khai mở, bảo tồn và phát huy đúng hướng.
Tiểu vùng Duyên hải miền Trung, trong truyền thống, tục thờ cá Ông (cá Voi) và các vị thần biển, từ lâu đã gắn liền với lễ Cầu ngư của cư dân ở một số làng ven biển thể hiện sự thành kính, biết ơn đối với các vị thần biển, cá Voi - loài vật hiền lành và to lớn nhất biển cả, luôn giúp đỡ họ trong những lúc hiểm nguy, bão tố để đưa thuyền về bến an toàn. Nó không chỉ làm phong phú đời sống tín ngưỡng, tôn giáo mà còn là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là khát vọng hướng tới điều thiện của cư dân mưu sinh trên biển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
Tục thờ các vị thần biển và lễ Cầu ngư của cư dân vùng duyên hải miền Trung hàm chứa nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử, đoàn kết cộng đồng, giá trị đạo đức thẩm mỹ, văn hóa nghệ thuật và cách ứng xử nhân văn khi đối diện với thiên nhiên, đối diện với biển cả. Tục thờ cá Ông nói riêng và các lễ tục thờ Thần biển, phản ánh tín ngưỡng của người Việt và sự hội nhập văn hoá tín ngưỡng giữa văn hoá bản địa với văn hoá, tôn giáo của các nước trong khu vực, đặc biệt là văn hóa Việt - Chăm trong tục thờ cá voi và lối hát Bả trạo. Đó quá trình tích hợp các lớp văn hoá tín ngưỡng cũng như sức sống và sự vượt trội của tín ngưỡng bản địa trong tâm thức của ngư dân. Tôn giáo, tín ngưỡng ấy có sức sống mãnh liệt tồn tại trong suốt tiến trình lịch sử, gắn liền với cộng đồng cư dân duyên hải Trung bộ, mà Ngư dân, chủ thể văn hóa của lễ hội đã tạo nên sức sống nội sinh trường tồn với sự vận động và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử. Sức sống nội sinh ấy không chỉ thể hiện ở khát vọng ra khơi thuận buồm xuôi gió, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang mà còn thể hiện đời sống tinh thần phong phú, đặc sắc, giàu giá trị nhân văn của cư dân miền duyên hải.
Nghệ thuật diễn xướng Hát Bả trạo còn gọi là Hò Bả trạo, Chèo Bả trạo, Hò Đưa linh, Hò Hầu linh… là một loại hình diễn xướng dân gian tiêu biểu, đặc sắc trong lễ hội Cầu Ngư của ngư dân duyên hải Trung Bộ, đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ.
 Một số địa phương vùng Bắc Trung Bộ như Cảnh Dương Quảng Bình, Cửa Tùng Quảng Trị gọi là Hò đưa linh - Chèo cạn. Các địa phương ven đầm phá, ven biển Thừa Thiên Huế vẫn gọi là Hát Bả trạo và đều gắn với lễ Cầu Ngư. Sáu tỉnh duyên hải Bắc Trung bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vẫn tồn tại Lễ Cầu ngư trong truyền thống tín ngưỡng dân gian với tục thờ thần Biển. Tiêu biểu như ở Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa; Nhượng Bạn, Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên Hà Tĩnh; Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình; Cửa Tùng, Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, Quảng Trị; Thai Dương, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang và Phương Diên, Phú Diên, Phú Vang Thừa Thiên Huế [1]…Trong lễ Cầu Ngư loại hình diễn xướng dân gian vẫn là Hát Đưa linh -  Chèo cạn, Chèo chải (Thanh Hóa), Hát Bả trạo. 
Hò Bả trạo được quy định khá chặt chẽ về các bước hát, diễn, nhân vật, và số người. Một đội hát Bả trạo được kết cấu, tổ chức như một đội thủy thủ trên một con thuyền, gồm có nhiều thành viên với chức danh rõ ràng để chịu trách nhiệm phần công việc của mình.
Đội hình Hò Bả trạo phổ biến vẫn gồm: Tổng mũi (tổng tiền), Tổng khoang, Tổng lái và các con trạo với các mái chèo.
Trước hết là Tổng mũi (còn gọi là Tổng tiền), tức là người đứng mũi, có vai trò như chỉ huy, điều khiển cả đội thuyền. Tổng mũi là người không chỉ có giọng hát to khỏe, ấm, có sức truyền cảm, mà còn phải biết hò, hát, xướng, ngâm vịnh, nói lối và phải thuộc nhiều câu hát theo nghi thức cổ.
Thứ hai là Tổng khoang (còn gọi là Tổng thương), là người đứng ngay sau Tổng mũi để tát nước và động viên đội chèo. Tổng khoang cũng phải là người rất năng động, hoạt bát và cũng phải giỏi hát. Thỉnh thoảng, ông này cầm gàu, làm động tác tát nước trong thuyền ra ngoài.
Thứ ba là Tổng lái (còn gọi là Tổng hậu), là người phụ trách chèo lái ở cuối con thuyền. Tổng lái cũng phải là người khỏe mạnh vì phải cầm cây chèo dài nhất (dài hơn mái chèo của các bạn chèo, thường dài khoảng 1,8m - 2m). Tổng lái phải vừa hát vừa luôn làm động tác như đang chèo lái ở cuối con thuyền.
Số còn lại là các tay chèo, gọi là “bạn chèo” hoặc “con trạo”. Tùy theo yêu cầu, nếp quen ở từng địa phương mà số con trạo có từ 6, 8, 10, đến 12, 14 hoặc 16 người. Dù nhiều ít khác nhau nhưng bao giờ số con trạo cũng phải là số chẵn.
Khi tiến ra sân diễn, đội chèo đi theo hàng một, dẫn đầu là Tổng mũi, đến Tổng khoang, tiếp đó là các con trạo và Tổng lái. Cây chèo cầm dựng đứng bên tay phải, mũi chèo hướng lên trời. Đến điểm quy định trình diễn, đội chèo đi thành vòng tròn rồi tách ra 2 hàng (các con trạo mang số lẻ từ 1, 3, 5, 7... thành một hàng và các con trạo mang số chẳn từ 2, 4, 6, 8 ... thành một hàng). Đứng đầu giữa hai hàng con trạo là Tổng mũi, ở giữa là Tổng khoang và sau cùng là Tổng lái (xem sơ đồ). Đội hình chính của cuộc Hò Bả trạo là mô phỏng một con thuyền đang lướt sóng trên biển.
Sơ đồ diễn tiến đội hình Bả Trạo. Nguồn: internet
Phần điều khiển động tác múa do Tổng mũi đảm nhiệm. Khi Tổng mũi cầm sênh hướng về trước để gõ, các con trạo cúi mình về phía trước làm động tác chèo thuyền. Khi Tổng mũi cầm sênh day lui để gõ, đám bạn chèo ngã mình lui để chèo rất đồng bộ và nhịp nhàng… Động tác chèo thuyền ấy quán xuyến từ đầu đến cuối buổi diễn.
Trong lúc trình diễn, Tổng mũi nhiều lúc dừng lại để xướng hát, than, ngâm thơ, diễn trò .., các con trạo cứ theo động tác chèo thuyền đã được cách điệu và nghệ thuật hóa. Tổng khoang và Tổng lái phối hợp với Tổng mũi để trình diễn. Thỉnh thoảng, Tổng khoang cầm gàu múc nước tát ra khỏi khoang thuyền, Tổng lái cầm chèo dài để lèo lái con thuyền.
Đội hình Hò Bả trạo được sắp đặt như một con thuyền ra khơi. Kết thúc buổi diễn, Tổng mũi gõ hai tiếng sênh, các con trạo cầm cán chèo dựng chèo thẳng mũi lên cao. Khi nghe tiếng sênh tiếp thì con trạo nhập thành hàng một, cây chèo vẫn cầm dựng đứng như tư thế lúc ban đầu khi mới ra trình diễn rồi theo Tổng mũi đi khuất vào sau sân lăng. Buổi trình diễn không cần đến sân khấu mà thường trình diễn ở bãi cát ven biển hay sân trước lăng Ông.

               Bả trạo Khánh Hòa
Bả trạo Bình Thuận

Một số hình ảnh diễn xướng Hò Bả trạo ở Nam Trung bộ.
Hò Bả trạo ở Nam Trung bộ mang đậm tính tổng thể nguyên hợp của văn hóa dân gian, tạo thành một loại hình nghệ thuật dân gian tổng hợp bởi sự tích hợp các trò diễn dân gian, các thể loại diễn xướng truyền thống của địa phương. Có thể nhận thấy suốt quy trình diễn xướng từ đầu đến cuối của Hò Bả trạo trong lễ hội Cầu ngư không tách rời yếu tố âm nhạc. Vai trò âm nhạc là chủ đạo, quán xuyến, là chất men có tác dụng kết dính, chuyển tải, chuyển tiếp các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian. Do sự giao thoa và vận dụng, sử dụng đa dạng về các các làn điệu, các kiểu lối hát từ các làn điệu dân ca của nhiều vùng, miền đã kéo theo sự phong phú sáng tạo về thang âm, giai điệu trong âm nhạc của nghệ thuật Hò Bả trạo.
Hò Bả trạo sử dụng các nhạc cụ: đàn nhị, trống, kèn và sênh. Âm nhạc cùng với sự phối hợp nhịp nhàng của Tổng mũi, Tổng lái, Tổng khoang hợp theo nhịp chèo bơi, trong đó Tổng mũi là người giữ nhịp cho toàn đội. Trong khi trình diễn, ba vai Tổng là quan trọng nhất, vì phải thông thạo tất cả các lối ngâm, xướng, bạch, thán oán, vịnh, nam khách, tẩu mã, kệ, tán cùng các điệu lý, hò miền Trung. Đội nhạc giữ vai trò quan trọng trong Hò Bả trạo như giữ nhịp, đưa hơi, tạo không khí hào hứng cho người diễn cũng như khán thính giả.
Ngoài việc vận dụng có cải biên, cách tân lối kết cấu, hơi điệu trong Tuồng, Hò Bả trạo Nam Trung Bộ còn dung hợp thêm bài bản các kiểu hát Tán, Kệ… có nguồn gốc từ âm nhạc Phật giáo, cũng như một số bài ca, các lối hát của dân ca Bắc và Trung Trung Bộ nói chung, tạo nét đặc thù do sự giao thoa, tiếp biến trong truyền thống âm nhạc dân tộc cổ truyền.
Âm nhạc trong Hò Bả trạo ở Nam Trung Bộ gồm có ba mảng chính:
2.1. Các lối hát có nguồn gốc trong hát Tuồng truyền thống:
Theo sử sách, Tuồng (Hát Bội, Hát Bộ) xuất phát ở Đàng Trong từ thời Ðào Duy Từ (1572-1634) và đã trở thành một bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống phổ biến, đặc biệt là ở Nam Trung bộ. Vì vậy, qua quá trình giao thoa giữa các loại hình nghệ thuật, các yếu tố của sân khấu Tuồng có trong Hò Bả trạo là điều dễ hiểu, thể hiện một cách đậm nét ở khía cạnh âm nhạc.
Hò Bả trạo Nam Trung bộ thường sử dụng các lối Nói - Hát, cũng như vận dụng nhiều làn điệu phong phú, đa dạng hơn và linh hoạt hơn như:  Lối nói Vãn, Lối nói – kể, Các lối hát Xướng - kể, Lối nói Dựng, Ngâm – Kể, Thán, Tẩu Mã, Phú, Hát Nam, Bắt Bài, Bắt Bài lệnh…
 Mặc dù các lối “Hát – Nói” trong Hò Bả Trạo sử dụng phần lớn trong hát Tuồng truyền thống, nhưng tính chất giai điệu trong các lối “Hát – Nói” đều có màu sắc thán, vãn, cầu khấn,…, kết hợp phương thức diễn: động tác “chèo” luôn gắn kết trong hầu hết các lối “Hát - Xô” gắn với nhịp điệu lao động - là đặc tính của các loại Hò, đã tạo nên sự khác biệt so với nghệ thuật Tuồng truyền thống. Tính dân gian được thể hiện ở môi trường diễn xướng tâm linh cũng đóng vai trò như là chất men, chất kết dính nhằm tạo cho các kiểu lối “Hát – Nói” trong Hò Bả Trạo mang tính khác biệt so với gốc tích của nó trong lối hát truyền thống. 
Trong số các làn điệu Tuồng sử dụng trong Hò bả trạo, hát Nam là phổ biến hơn cả. Hát Nam trong Tuồng truyền thống đưa vào Hò Bả trạo đã trở thành một dạng làn điệu mang những yếu tố khác biệt về cấu trúc ngôn ngữ, thể thơ…, tạo nên sự khác biệt so với nguyên thể của nó trong hát Tuồng truyền thống. Hát Nam đã được dân gian hóa gần với thể loại Hò với lối Hát – Xô. Ví dụ:
Hát Nam trong Chèo Ông:
 “Mịt mù/ khói tỏa/ vầng trăng
                        Gió hiu/ trước mặt/ mây giăng/ lưng trời”
Con trạo Xô:  “Hò hầu (a) Ông
Hát Nam trong Chèo Âm linh:
 “Cúi đầu giọng bái thập phương
  Hoang hồn trệ phách tìm đường siêu thăng”
Con trạo Xô:  “Hò hầu linh
Đôi khi hát Nam cũng có vế Xô trong hò khoan, hay gọi là lối xen kẽ giữa Hát Nam và Hò:
Hát Nam:
             Thái lai nhờ ngài phò hộ
             Nguyện Cô Hồn phổ độ duyên trung
             Ớ là hò khoan hò
             Trời cao, trời cao đất rộng
             Ớ là trùng muôn trùng
             Ớ là hò khoan hò
             Chim kêu núi bắc
             Ớ là hò khoan hò
             Cá vùng (ớ là vùng) biển đông
             Ớ là hò khoan hò, hò hỡi hố khoan…

Hát Nam:     Không lay thương thay cho thập loại
                               Chốn phật đài vòi vọi còn xa
          Trạo xô:      Ớ là hò khoan hò, hò hỡi hố khoan
          v.v…
(Xin xem ví dụ nhạc trong phần Phụ lục 3)
Điều đặc biệt là từ sự vận dụng tính độc đáo của nghệ thuật Tuồng truyền thống; cách sử dụng các làn điệu dân ca được các nghệ nhân tài ba phối kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn, các loại hình nghệ thuật sân khấu khác... cho nên không gian Hò Bả trạo trong lễ hội Cầu Ngư đã không còn là không gian của sân khấu tuồng diễn, mà người xem như đang tiếp cận với tổng thể nền văn hóa âm nhạc dân gian với nét đặc trưng trong di sản văn hóa từng vùng, miền của khu vực Nam Trung bộ… Đó là đặc điểm của lối hát Nam trong Hò Bả trạo.
2.2. Các làn điệu dân ca Nam Trung bộ được sử dụng trong Hò Bả trạo
Vốn ca nhạc dân gian được sử dụng trong Hò Bả trạo là các điệu hò và lý, nhưng nhiều nhất là các thể loại hò, vì hò gắn với nhịp điệu lao động khi con trạo chèo thuyền.
Lối “Kể - Xô” trong Hò Bả trạo Nam Trung Bộ là sự vận dụng các điệu hò trong dân ca. Hò được sử dụng chủ yếu là hò Kéo neo, hò Khoan… (Quảng Nam), hò Khoan, hò Giựt chì, hò Rị, hò Hụi, hò Đưa linh,… (Quảng Ngãi), hò Lơ, hò Khoan kể cá… (Ninh Thuận) v.v…
Lý thường dùng là lý Mọi, (Quảng Nam), lý Chèo đưa cá Ông (Ninh Thuận), lý Thương nhau, lý Vãi chài (Quảng Ngãi)…           
2.3. Các lối hát có nguồn gốc trong âm nhạc Phật giáo
Theo truyền thuyết, cá Ông là hiện thân của Phật Bà Quan Âm, vị Phật hiền từ, nhân ái, chuyên cứu khổ, cứu nạn mọi người. Ðức Phật Quan Âm một lần tuần du trên biển Nam Hải, cảm động trước sự chết chóc của nhân loại, vì thiên tai, bão tố nên Phật Bà đã xé mảnh cà sa của mình thành trăm mảnh, ném xuống mặt biển hóa thành đàn Cá Voi, lại ban cho thân thể to lớn và phép thần thông, để Ông có sức khỏe vạn năng và bơi lội nhanh lẹ, hầu kịp thời hộ trì cứu giúp những người bị tai nạn trên biển. Bên cạnh đó, hình thức diễn xướng chèo cạn trong Hò Bả trạo còn được dùng trong diễn xướng Hò Đưa linh thấm nhuần tư tưởng Phật giáo. Vì thế, sự ảnh hưởng, vận dụng của các làn điệu âm nhạc Phật giáo trong Hò Bả trạo là điều hiển nhiên.
Các điệu hát được vận dụng vào Hò Bả trạo chủ yếu là Kệ và Tán (tán trạo). Kệ và Tán trong âm nhạc Phật giáo đã được vận dụng linh hoạt, có cách tân, cải biên…cụ thể là đã dân gian hóa bằng vế Kể, vế Xô đặc trưng như các điệu hò trong dân ca. Đặc biệt, phần Xô tập thể của các con trạo đều phải nhịp nhàng, ứng với từng động tác cụ thể của múa Bả trạo.
Điệu Tán sau được mở đầu trong màn hát múa rước linh Ông:
“Lò hương nghi ngút/cảnh vật thảnh thơi
Biển Đông minh giúp đỡ nơi nơi
Thần Nam Hải oai phong lẫm lẫm
Công tế độ đáng thêu bìa gấm
Cõi vô thường còn động lòng vàng
Cảnh án diên có vạn có làng
Xin chúng đẳng chỉnh tề bái yết”…
          …
 “Chúng con một dạ kính thành
Hát hò cho rập theo đường chèo bơi”
Hò là hò hỡi lơ…”
Điệu Kệ cũng xen kẻ với vế xô:
Kệ      “Vô thượng thâm thâm vi diệu pháp”
Xô      “Nam mô a di đà phật
Kệ      “Bách thiên vạn kiếp năng tao ngộ”
Xô      “Nam mô a di đà phật
Kệ      “Ngã kim kiến văn đắt thọ trì”
Xô      “Nam mô a di đà phật
(Xin xem các ví dụ nhạc trong phần Phụ lục 3)
Như thế, các làn điệu, bài bản trong Tuồng, trong lễ nhạc Phật giáo và dân ca Nam Trung bộ đã được sử dụng trong Hò Bả trạo, nhưng không phải ở dạng nguyên thể mà có những biến đổi nhất định để phù hợp với hình thức, nội dung và tính chất của một loại hình diễn xướng nghi lễ dân gian như Hò Bả trạo.
Với đặc tính dân gian của một loại hình diễn xướng, Hò Bả trạo được lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền khẩu, nên đã sinh ra nhiều dị bản ở các địa phương khác nhau. Âm nhạc của Hò Bả trạo qua mỗi địa phương, qua mỗi thời kỳ, đã được thêm thắt, bổ sung, sáng tạo hoặc giản lược để phù hợp với bối cảnh xã hội, không gian và nhất là phù hợp với vốn truyền thống văn hóa dân gian cụ thể của địa phương, vùng miền.  
Hò Bả trạo vừa mang tính diễn xướng nghệ thuật dân gian vừa là nghi lễ, cho nên trang phục và đạo cụ cũng phù hợp với tính chất ấy. Theo quan sát của chúng tôi, phục trang của Hò Bả trạo khác nhau về màu sắc và kiểu dáng theo từng địa phương, thể hiện sự phong phú của nghệ thuật diễn xướng Hò Bả trạo. Tuy vậy, cũng có những điểm chung, đó là trang phục có kiểu dáng gọn gàng, màu sắc sặc sỡ, đạo cụ là những dụng cụ đời thường gần gũi với ngư dân trên những con thuyền đánh cá ngày xưa.
Thông thường, Tổng lái mặc lễ phục cổ truyền áo dài đen, quần dài trắng, khăn đóng đen (nếu là nghi lễ trang trọng) với đạo cụ là mái chèo lái dài 2 mét.
Tổng lái
Tổng mũi (Tổng tiền) ăn mặc lễ phục như tổng lái, nhưng tùy theo vùng miền, có khi lại trang phục rực rỡ như một diễn viên tuồng, cầm cặp sênh điều khiển.
Tổng mũi

          Tổng khoang mặc áo có màu sắc khác nhau theo từng địa phương, quần dài, quấn xà cạp hoặc có bo gọn gàng, tay cầm đạo cụ là gàu tát nước.
Ba Tổng: Tổng tiền, Tổng khoang và Tổng lái
Các con trạo đầu chít khăn, áo trắng, quần trắng, có quấn xà cạp, thắt lưng vải đỏ, chân đi đất, tay cầm mái chèo khoảng 1,2 mét sơn màu xanh hay trắng và thường có hình Thái cực đồ (xem hình dưới). Màu sắc trang phục còn tùy theo các vùng, nhưng cái chung là trang phục giống người lính lệ xưa, có đội nón hoặc quấn khăn…
Con Trạo

Trong vấn đề phục trang, ngoài việc tùy thuộc vào tính chất lễ nghi truyền thống của từng vùng miền, thì hiện nay với chủ trương lồng ghép giữa du lịch và di sản văn hóa, nên các địa phương thường quảng bá di sản của địa phương mình trong các lễ hội. Vì vậy, trang phục thường được cách điệu thêm, nặng về diễn xướng, mang tính “hội” nhiều hơn lễ nghi. Có địa phương, phục trang và hóa trang của các tổng và các con trạo đều mang tính chất sân khấu Tuồng, như Bả trạo Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận (xem thêm các ảnh trước).
Tóm lại, nghệ thuật diễn xướng Hò Bả trạo ở Nam Trung Bộ là một trong những thể loại diễn xướng dân gian lễ nghi, tín ngưỡng, đánh dấu một nét văn hóa tâm linh của cư dân vùng duyên hải. Đó cũng là một nét văn hóa truyền thống khá độc đáo của dân tộc Việt. Ngày nay, tuy lối hát này không phổ biến lắm nhưng vẫn có nhiều địa phương Nam Trung bộ tổ chức trình diễn vào các lễ hội Cầu ngư hàng năm, nhiều sáng tác văn nghệ dân gian đã phản ánh sinh động đời sống tinh thần và vật chất phong phú của cư dân sông nước vùng duyên hải miền Trung… Với những đặc điểm nghệ thuật đã nêu, thể loại Hò Bả trạo với cấu trúc, kết cấu của bản chèo đã chứa đựng đặc tố của một loại nghệ thuật tổng hợp, một vở kịch hát dân gian đặc trưng trong kho tàng di sản văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Vĩnh Phúc
TÀI LIỆU

1. Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2000), Văn hoá dân gian làng biển, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.    2. Phan Khoang (2000), Việt sử xứ Đàng trong, Nxb Văn học, Hà Nội.3. Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Nam (2004), Phong tục – Tập quán – Lễ hội Quảng Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.4. Trần Quốc Vượng (2003), Văn hóa Việt Nam – tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn Học.5. Trần Văn An (2005), Di sản văn hóa văn nghệ dân gian Hội An, Nxb Trung tâm Quản Lý Bảo Tồn Di Tích Hội An.6. Trương Đình Quang (2011), “Hát Bả trạo – Hò đưa linh”, Nxb Văn hóa Dân tộc.7. Trương Đình Quang (2005), Men rượu Hồng Đào, Nxb Đà Nẵng.8. Huỳnh Ngọc Trảng (2004), Duyên hải miền Trung - Đất và người, Tạp chí Xưa & Nay, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. 9.Mường Giang (2009), Tháng giêng về Phan Thiết… http://huongvebinhthuan.org10. Hoàng Phương, Hát Bả trạo - Một loại hình diễn xướng dân gian…TBKH, Viện NCAN, Học viện Âm nhạc Huế.11. Xa Văn Hùng, Sự giao thoa trong hát Bả trạo xứ Quảng, http://dised.danang.gov.vn/LinkClick.aspx?fileticket...tabid=6112. Nguyễn Xuân Hương (2012), Lễ hội cầu ngư của các làng biển xứ Quảng (Quảng Nam - Đà Nẵng), Tạp chí Văn hoá - Du lịch Đà Nẵng, số Xuân.

[1] Theo sử liệu, vào tháng 2 năm Nhâm Dần (1782), Nguyễn Ánh trong khi đang vây hãm thành Bình Thuận, thì bị thủy quân Tây Sơn từ Bình Ðịnh vào đánh đuổi. Nguyễn Ánh thua trận và bị Tây Sơn truy sát. Lúc thuyền hai bên gặp nhau tại giang khẩu Xoài Rạp, là một khúc sông Ðồng Nai giữa Gia Ðịnh và Gò Công, thì đột nhiên bảo tố nổi lên dữ dội, khiến cho tàu thuyền của hai phía bị đắm chìm rất nhiều. Ngay lúc thuyền chở Nguyễn Ánh lâm nguy, thì bỗng có một cặp cá ông nổi lên đỡ và dìu thuyền vào bờ làng Vàm Láng, tổng Kiến Phước, tỉnh Gò Công. 
Sau khi đất nước thống nhất, vua Gia Long lên ngôi năm 1802, nhớ ơn xưa đã truy phong cho cá voi, tước Nam Hải đại tướng quân, Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Ðẳng Thần, đồng thời hạ chiếu phong tặng, cho các làng xã lân cận nơi bị đắm thuyền năm xưa, trong đó có Cần Giờ (Gia Ðịnh), Kiến Phước (Gò Công), Vũng Liêm (Vĩnh Long) và ra lệnh cất đền thờ Cá Ông. Kể từ đó, vùng phía nam đèo Ngang trở vào đều thờ Ông Nam Hải…Sau khi đất nước thống nhất, vua Gia Long lên ngôi năm 1802, nhớ ơn xưa đã truy phong cho cá voi, tước Nam Hải đại tướng quân, Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Ðẳng Thần, đồng thời hạ chiếu phong tặng, cho các làng xã lân cận nơi bị đắm thuyền năm xưa, trong đó có Cần Giờ (Gia Ðịnh), Kiến Phước (Gò Công), Vũng Liêm (Vĩnh Long) và ra lệnh cất đền thờ Cá Ông. Kể từ đó, vùng phía nam đèo Ngang trở vào đều thờ Ông Nam Hải…

VIDEO: Hát Bả trạo - Lời cầu an trên biển

Hát Chầu văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế

Cô múa mồi (múa lửa)

Vĩnh Phúc

1. Khái lược về tín ngưỡng thờ Mẫu
Sơn tinh, Chữ Đồng Tử, Thánh Gióng, Bà Chúa Liễu vị bất tử thứ tư kể trên trở thành tổ của một "Đạo thờ Mẫu" được coi là một thứ tín ngưỡng mang tính dân gian và tính thuần Việt nhất so với các tôn giáo ngoại lai. Mẫu được duy trì như một tôn giáo bản địa. Đây chính là cội nguồn văn hóa cổ xưa còn được giữ lại.
Đạo Mẫu hình thành và phát triển trên đất nước ta được chia ra 3 thời kỳ đáng chú ý:
+ Thời kỳ sơ khai được hình thành vào thế kỷ thứ XVI và XVII, lập và tạo dựng đền "Phủ Giày" ở quê Mẫu, tiếp đó là Đền Sóng nơi Mẫu hiển linh, có sự chứng giám sắc phong của nhà nước phong kiến lúc bấy giờ. Đây cũng là thời kỳ các nhà nghiên cứu cho rằng: một hiện tượng biểu thị sự giác ngộ tinh thần dân tộc của lớp nho sĩ thời bấy giờ, họ khát khao hướng tới một kiểu tôn giáo có sắc thái riêng của Việt Nam.
+ Thời kỳ phổ biến sâu rộng việc thờ Mẫu (mẹ). Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các Điện thờ được xây dựng mọc lên khắp nơi. Nhân dân nô nức kéo nhau đi tham gia lễ hội các nơi như: Phủ Giày, Đền Sóng, Điện Hòn Chén, Núi Bà Đen…Hiện tượng này nó thể hiện một tâm thức hướng về cội nguồn khi đất nước rơi vào sự đô hộ của thực dân Pháp([1])
+ Thời kỳ các đình chùa, miếu mạo được chú ý và phục hồi. Hằng năm các lễ hội dân gian làng, xã được tổ chức vui chơi như ngày hội. Đạo Mẫu được thịnh hành, bén rễ sâu trong nhân dân.
Như vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu là một một trong những hình thức tín ngưỡng dân gian khá phổ biến ở Việt Nam, có nguồn gốc sâu xa từ tục thờ Mẹ của cư dân nông nghiệp nhằm đề cao vai trò, chức năng thiêng liêng của người phụ nữ trong cuộc sống. Trong quá trình tiếp thu văn hoá Trung Hoa thì tín ngưỡng thờ Mẹ mang tính bản địa này đã phần nào chịu ảnh hưởng “từ Đạo giáo phù thủy từ Trung Quốc truyền sang” ([2]) mà biểu hiện cụ thể “như lên đồng, dùng bùa yểm chú trừ tà ma, trị bệnh bằng phương thuật phù thủy...” ([3]) . Nhưng người Việt đã dựa trên nền tảng của niềm tin về các nữ thần để tiếp thu, biến đổi những yếu tố ngoại lai cho phù hợp với màu sắc tín ngưỡng dân gian Việt hình thành nên tín ngưỡng thờ Mẫu mang nét văn hoá tâm linh rất độc đáo. Tuy nhiên, do truyền thuyết về sự linh ứng của các vị nữ thần ở mỗi địa phương khác nhau nên hệ thống thờ tự thánh Mẫu cũng không thống nhất mà có sự biến đổi tuỳ theo vùng miền, trong đó vị trí tối thượng của ba vị nữ thần tiêu biểu cho ba miền: Mẫu Liễu Hạnh (Vân Cát Thần nữ) phổ biến ở miền Bắc, Thiên Y A Na (Poh Nagar) ở miền Trung, Bà Đen (Muk Juk) ở miền Nam.
Mẹ là nguồn gốc của sự sống, thờ Mẹ, Mẫu chính là Đạo. Trong quá trình biến động của lịch sử, ảnh hưởng quan điểm về vũ trụ: "Ngũ hành tương sinh tương khắc sinh vạn vật" ít nhiều có ảnh hưởng chi phối đến tôn giáo – tín ngưỡng thờ Mẫu của ta trong sự hình thành tín ngưỡng "tứ phủ" (Thiên phủ - Địa phủ - Thoải phủ - Nhạc phủ). Trời đất, sông nước, núi rừng, hình tượng người mẹ luôn luôn được nhắc tời một cách thành kính, trang trọng, tin yêu trong tâm thức. Trời thì có Mẫu Thiên, Đất thì có Mẫu Địa, Sông nước biển cả thì có Mẫu Thoải (Thủy) và núi rừng thì có Mẫu Thượng Ngàn (Nhạc Phủ)
Đó là các Thánh Mẫu được tôn thờ trong thiên hạ, nó gắn với quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, phù hợp với đáp ứng được nguyện vọng tha thiết, đòi hỏi của người dân bình thường, gần gũi đời sống con người thực và đời sống tâm linh.
Đất và nước, núi và sông cũng đều có mẹ, có mẹ đất mẹ nước, mẹ núi, mẹ thiên…, tôn vinh đức Mẫu (mẹ) là niềm tín ngưỡng chân thành, sâu sắc rất Việt Nam. Kiếm tìm một thần linh nào đó cũng cốt chỉ nhờ trợ giúp tinh thần để con người tăng thêm sức mạnh, vững niềm tin. Người Mẹ lúc này gần gũi xiết bao! Từ tâm thức con người hiểu như thế và cũng từ đó ra đời sự tôn thờ Mẹ nước, Mẹ rừng, nhân dân thường gọi Mẫu Thoải (Thủy), "Mẫu Thượng Ngàn gọi là "Thủy cung thánh mẫu", "Lâm cung thánh mẫu". Như vậy, "tín ngưỡng tứ phủ" có đầy đủ: Thiên phủ, Địa phủ, Sơn phủ (hoặc Nhạc phủ) và Thoải phủ (hoặc Thủy phủ).
Nữ thánh Liễu Hạnh là tấm gương người phụ nữ đầy đủ tài đức được nhân dân tôn thờ và càng ngày được chồng chất những lớp bổ sung để thấy rõ nhân cách của vị thánh bất tử.
2. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế
Cũng như ở Tháp bà tại Nha Trang - nơi thờ nữ phần Po-Nagar của người Chàm, có một bài văn bia cho khắc vào bia đá của Phan Thanh Giản ghi lại truyền thuyết Thiên Y-Ana là con của Ngọc hoàng Thượng đế đã giáng sinh tại nơi đây… thì  ở Huế, cũng có truyền thuyết người đàn bà thần tiên đã xuất hiện để giúp đời là địa điểm núi Ngọc Trản thuộc làng Hải Cát. Dân làng liền dựng lên một ngôi đền tại hòn núi này để thờ bà. Nhưng ngôi đền đã có ở đây từ bao giờ thì không ai biết rõ. Theo tinh thần một tờ thần sắc do Vua Minh Mạng ban cho đền Ngọc Trản đề ngày 8/5/1834 thì đền đã có tại chỗ dưới thời Gia Long (1802 - 1819). Chắc hẳn kiến trúc của đến bấy giờ còn rất đơn giản. Dù sao sử sách Triều Nguyễn cũng ghi rõ rằng vào tháng 3/1832 vua Minh Mạng đã cho tu sửa và mở rộng đền. Sau đó 2 năm đền lại được trùng tu. Năm 1886, sau khi tức vụ, Vua Đồng Khánh liền cho xây lại đền này một cách khang trang, làm thêm nhiều đồ tự khí để thờ và đổi tên ngôi đền thành ra Huệ Nam Điện để tỏ lòng biết ơn thánh mẫu. Huệ Nam nghĩa là ban ân huệ cho nước Nam, vua Nam. Huệ Nam Điện ra đời từ đó, với một quy mô quốc gia, được nâng lên hàng quốc lễ, thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Dưới thời vua Đồng Khánh “là lúc tín ngưỡng thờ Mẫu đạt đến điểm cực thịnh, điện Huệ Nam trở thành trung tâm thờ Mẫu được chính quyền phong kiến thừa nhận và nhân dân thường xuyên lễ bái. Từ đó, lễ vía Mẹ được vua Đồng Khánh xem như quốc lễ và điện Hòn Chén đã trở thành trung tâm hành hương của tín đồ thờ Mẫu([4]).
Tại Bắc Bộ, cơ bản là hệ thống Tứ phủ, tại đất Champa cũ là Mẹ Thiên Y A NA. Theo bước chân của người Việt, khi tiến về phương Nam, bà Thiên Y A NA nhiều khi hội nhập với Mẫu Việt để có lúc đồng hóa với Thánh Mẫu Liễu Hạnh trở thành Thiên Tiên Thánh Giáo. Hai dòng chảy của việc thờ Mẫu Nam - Bắc ấy tụ hội với nhau tại Huế làm nảy sinh ra điện Hòn Chén bên bờ Sông Hương, một thắng tích của cố đô,([5]) gọi là tín ngưỡng thờ Mẫu.
Điện Hòn Chén được du khách biết đến không chỉ là một di tích tôn giáo nổi tiếng và còn là một thắng cảnh xinh đẹp hữu tình, cây cối xanh tươi, quanh năm soi bóng xuống dòng Hương. Trong bóng cây cổ thụ có thấp thoáng mái điện rêu phong, có hình chim phụng đang vỗ cánh bay lên trời. Năm 1886 vua Đồng Khánh đã ví toàn cảnh của Điện Hòn Chén như sư tử đang vươn đầu uống nước dưới sông Hương.
Ngày nay, tại điện Hòn Chén các "con tôi đệ tử" của đạo Thiên Tiên Thánh Giáo vẫn cứ cử hành một cách không chính thức, mỗi năm đến 15 lễ vía khác nhau. Trong đó lễ Tế thu vào đầu tháng 7 âm lịch là trọng thể nhất vì đây vừa là ngày hội tại đền, vừa là ngày lễ rước sắc hàng năm của dân làng Hải Cát tại điện Hòn Chén.
Tổng hội Thiên Tiên Thánh Giáo thành lập năm 1953, một tổ chức tôn giáo quy tập đông đảo tín đồ thờ Mẫu thuộc nhiều tầng lớp, khởi phát từ giới quan lại, thượng lưu quý tộc ([6]) … mà điện Huệ Nam – Hòn Chén là một trong hai thánh địa của Thiên Tiên Thánh Giáo tại miền Trung. ([7]
          Mỗi năm, ngày 1/7 người ta đi xin keo để biết ý Thánh Mẫu (Thiên Tiên Thánh Giáo) chọn ngày nào trong những ngày từ mồng 8 đến 12 tháng ấy. Theo lệ cũ, lễ được cử hành trong 2 ngày liên tiếp. Trong những ngày ấy "Con tôi đệ tử" dù ở các tỉnh xa xôi cũng cố gắng về hành hương ở điện Hòn Chén - được xem như đất thánh của họ. Họ tập trung về đây trước đó cả mấy hôm rồi lên bằng xe, bằng thuyền trong những bộ y phục sặc sỡ, cổ xưa nhất.
Cuộc hội hè diễn ra rất tưng bừng, náo nhiệt từ chiều ngày đầu tiên, thâu đêm cho đến buổi sáng ngày thứ ba.
Ngày xưa, Triều đình nhà Nguyễn thường cử một đại thần thay mặt vua lên đền dự lễ cho thêm phần trọng thể.
Trong không khí nhộn nhịp, nô nức của hàng ngàn tín đồ tham dự, trong cung đàn tiếng phách dập dồn, trong điệu Chầu Văn du dương, trầm bổng, trong mùi vị hương trầm hoa quả tỏa ngát cả một vùng núi sông thơ mộng trữ tình, họ bị lôi cuốn một cách dễ dàng vào một thế giới khác do chính họ tưởng tượng ra, trong đó họ trở thành Thánh Mẫu, Chúa Thượng Ngàn, các cô, các cậu...họ nhảy múa với một dáng điệu, ngôn ngữ lạ thường.
Trong khi đó, dân làng Hải Cát đã tề tựu đông đảo tại Đình làng vào ngày thứ hai, đi trên những chiếc thuyền có đủ hoa thường gọi là Đò Ấn hoặc 2 chiếc kết lại với nhau gọi là Bằng hoặc Lâu Bằng, về Đền rước những cái sắc mà Triều Nguyễn đã phong tặng cho Đền, đưa lên đặt ở Đình để làm lễ tế. Sáng hôm sau, họ lại rước về trả lại đền thờ. Trong những dịp rước kiệu như thế, phần lớn các tín đồ đều hóa trang làm thánh thần, làm chư ông, chư cô hoặc đội lốt người và thú vật sống trên rừng nữa, như Chúa Thượng Ngàn hoặc "ông hổ" chẳng hạn.
3. Hát Chầu văn Huế
Trong âm nhạc truyền thống Huế, Hát Chầu văn là một thể loại âm nhạc nghi lễ tín ngưỡng dân gian, gắn với tục thờ Mẫu có cội rễ sâu xa trong lịch sử văn hóa dân tộc, mà đã nhiều thời như một nhu cầu tâm linh của người dân Việt.
Chầu văn Huế được phát triển rất nhiều nơi và phổ cập từ thành phố đến nông thôn ở Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, nó còn được vươn xa và sử dụng rộng rãi ở các tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh...
Ở Huế, tín ngưỡng thờ Mẫu rất phổ biến nên số lượng am, điện chiếm một tỉ lệ không nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Đó là điều kiện thuận lợi cho môi trường diễn xướng của âm nhạc Chầu văn Huế phát triển và thực hiện đúng chức năng vốn có. Hằng năm, vào trung tuần tháng ba, tháng bảy âm lịch, đông đảo tín đồ thuộc mọi tầng lớp ở Huế cũng như trên địa bàn miền Trung hành hương đến điện Hòn Chén (Huệ Nam) tiến hành những nghi thức sinh hoạt tế lễ để bày tỏ lòng thành kính đối với thánh Mẫu. Vì vậy, ngoài vai trò là một thánh địa của đạo Mẫu ở miền Trung, điện Hòn Chén vào những ngày lễ hội có thể xem như một sân khấu lớn qui tụ nhiều nhóm nhạc chầu văn trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh. Chính qui mô diễn xướng được mở rộng càng cho thấy sự phong phú, sức mạnh lan toả của âm nhạc Hầu văn Huế đối với đời sống tâm linh.
Các vị vua đầu triều Nguyễn là những nhà Nho chính thống nên không ủng hộ sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu, thậm chí còn chủ trương bài xích đồng bóng bởi cho đó là dạng tà ma, mê tín nhưng như đã nói, đến thời vua Đồng Khánh thì hoạt động tín ngưỡng này “được khuyến khích, mở rộng”[8] và “những điều cấm kỵ của nhà Nguyễn trước đó đối với quần chúng lại được dịp giải toả”[9]. Đó là cơ hội cho hoàng thân quốc thích, quan lại, giới quí tộc tham gia vào hoạt động này và hiển nhiên các am, điện thờ Mẫu xuất hiện ngày càng nhiều tại các dinh cơ, phủ đệ để rồi “đã có một loại ca hát phục vụ vương triều gọi là “hầu văn” nay gọi là “Hầu văn Huế” [10]. Có lẽ với sự hấp dẫn và độc đáo, âm nhạc Chầu văn Huế không chỉ gói gọn môi trường diễn xướng trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian mà dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, nó còn thâm nhập vào chốn cung đình, quyền quí để phục vụ nhu cầu thưởng thức của vua chúa, quan lại, quí tộc.
Cho đến nay, chưa có ai có thể khẳng định được Chầu văn Huế đã ra đời từ năm nào, bắt nguồn từ đâu và do ai sáng tác...vì nói chung tất cả những tư liệu Chầu văn để lại không thấy có ghi tên tuổi và ngày tháng ra đời, chỉ biết rằng nó được phát triển rất thịnh đạt ở Huế dưới các triều vua Nguyễn.  Xa hơn, thế kỷ XVI, Dương Văn An trong “Ô Châu cận lục” cũng chỉ chép: …“việc  cúng bái thì mở cuộc Chầu văn”…
Hát Chầu văn – thể loại âm nhạc nghi lễ, đặc biệt gắn liền với tín ngưỡng – một hình thức diễn xướng dân gian khá nguyên sơ của sân khấu dân gian. Một số thuật ngữ thường dùng trong thể loại này:
- Hát văn: Là chỉ chung cho loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian.
- Hát Chầu văn: (hay Hầu văn) theo một số ý kiến của các nghệ nhân là hát văn sự tích, hát kể cho mọi người nghe.
- Hát văn thờ: (dâng vật thờ) là mở đầu nghi lễ, thánh tích công đức các vị thánh mẫu, các vị anh hùng dân tộc.
- Hát văn hầu bóng: (ngồi hầu đồng) do cung văn đảm nhiệm khi một người trong Đạo tứ phủ là "Giá" cho các thánh nhập vào trong một "Vấn".
Ngoài ra, cung văn phải vận dụng theo các trình tự diễn ra của người hầu đồng (bóng) bằng giọng điệu âm nhạc và lời văn qui định sẵn.
Hát hầu văn theo cách gọi, tên có khác nhau. Miền Bắc gọi "hát Văn", miền Trung (Huế) gọi là "hát Chầu văn" hoặc “Hầu văn”, miền Nam thì gọi "Rỗi bóng".  Điệu hát Văn ở Bắc có lâu đời, từ xa xưa của người Việt, vùng văn hóa sông Hồng, rồi dần dần theo gót người di dân vào phía Nam, dừng lại ở Huế với tên gọi là "Hát Chầu văn", vào Nam thì người ta quen gọi là "Rỗi bóng". Hát Chầu văn ở Huế và Hát Văn ở miền Bắc không giống nhau.
Chầu văn Huế thì hát đơn, hát đôi, hát tập thể, có khi cả ban công văn (8 đến 10 người) cùng đứng hát và nhảy múa hát theo từng tính chất "giá hầu", còn ở miền Bắc chỉ hát đơn cộng vào đó là phần đệm nhạc có trống, mõ, đàn Nguyệt, Thanh La, và khi chầu đồng thì chỉ ngồi ít khi đứng.
Sách Ô châu cận lục của Dương Văn An ghi lại từ năm 1555 ở vùng đất này có nêu: "…Xuân sang thì mở hội đua thuyền, với nhiều trai thanh, gái lịch. Hè đến thì bày cuộc viếng thăm với nhiều chốn múa nơi ca; Việc cúng bái thì dùng cổ xôi gà , mở cuộc chầu văn…", cũng có lẽ xuất phát từ nội dung và ý nghĩa chầu bóng mẹ (Mẫu), hầu hết các vị trong "tứ phủ cộng đồng" Hội đồng các thân thuộc của 4 phủ: Thiên – Địa – Nhân (nhạc) – Thoải (thủy)…
Nội dung những bài hát Chầu văn thường mô tả, diễn đạt sự tích ca ngợi các vị Thánh – Thần – Tiên được thờ trong điện, gắn liền với những truyền thuyết và câu chuyện dân gian.
Về môi trường diễn xướng, Hát Chầu văn là loại hát thờ, là lối hát trước bàn thờ Thánh (bao gồm cả lên đồng) gắn bó chặt chẽ với nghi lễ tín ngưỡng tại am, điện thờ Thánh Mẫu. Là loại văn để hầu bóng, gọi là văn ca thỉnh hàm (được thể hiện thành lời ca, hát), thỉnh mời các vị thần thánh giáng trần, hóa vào các con đồng để phán bảo (lên đồng là sự hóa thân vào một vai thần, thánh, hay ma quỷ linh thiêng trong hành lễ, tức là thần, thánh, ma quỷ đã nhập vào người ngồi đồng…)
Đặc điểm của hát Chầu văn là quá trình hành lễ gắn liền với hình thức sinh hoạt lên đồng, hầu bóng mà ở đó, con đồng sẽ hóa thân vào các vị thần linh để phán truyền, dạy bảo, chữa bệnh hay ban phát tài lộc cho những người tham gia buổi lễ. Trong suốt thời gian tiến hành nghi lễ lên đồng, hầu bóng, âm nhạc Chầu văn đóng vai trò quan trọng, có tính cách phù phép, với mục đích thôi miên người ngồi đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho con đồng nhập bóng, và giúp việc nhập hồn của các vị thần linh vào con đồng được linh ứng. Sau khi đức Thánh Bà nhập đồng chứng đàn thì cung văn sẽ tùy vào từng giá đồng để chọn những bài văn chầu phù hợp với từng vị thần linh nhập giá, bởi mỗi vị thần linh có một tính cách, đặc điểm ngoại hình, phục trang, cử chỉ riêng. Thế nên, môi trường diễn xướng của âm nhạc chầu văn diễn ra đồng thời với nghi lễ lên đồng, hầu bóng tại các am, điện thờ thánh Mẫu.
Nội dung ngợi ca, tán thán các vị thần thánh, cảnh vật trên thiên giới. Người hầu đồng (con đồng) cũng như các con nhang đệ tử dự lễ đều ước muốn được thần thánh phù hộ cho bản thân và gia đình luôn gặp may mắn, bình an. Đặc biệt, theo quan niệm của những người buôn bán thì tham gia vào những buổi lễ lên đồng là hình thức cầu xin thần thánh giúp họ ăn nên làm ra.
Quá trình tiến hành nghi lễ, một cuộc hát Chầu văn dài hay ngắn phụ thuộc vào tính chất nghi lễ, số lượng các giá đồng, thời gian ngồi đồng của các con đồng, tuy nhiên, về quy trình thì có những nguyên tắc tương đối ổn định. Có thể nói rằng khi đề cập đến quy trình diễn xướng của cuộc hát Chầu văn thì cũng là đề cập đến quy trình của một buổi lên đồng, vì thế âm nhạc cũng phải chia làm nhiều giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất: Là lễ cúng thí thực do người chủ am, điện chủ trì. Sau đọc lá sớ là hát Sai quan tướng, cung văn hát điệu Khải…
Giai đoạn thứ hai: Lễ cung thỉnh, hát Chầu văn thờ theo điệu Văn cúng - Phú - Nhị tự: Tính chất chúc tụng, ca tụng và thỉnh mời các vị thần thánh. Tiếp theo là hát dọc, hát rập tốc độ nhanh, tiết tấu sôi động để kích bóng lên…
Giai đoạn thứ ba: Hát giọng Cờn, giọng phú (tùy theo bóng Cô hay Cậu).
Tiếp đến là phần giáng bút, phán truyền, dạy bảo. Mọi người tham gia lắng nghe, nhạc không diễn tấu. Sau đó là ban lộc: Hát Phú khách. Cuối cùng là thánh thăng (thần linh không nhập đồng nữa): Cung văn kết thúc giá đồng bằng câu “Xe giá hồi cung”.
Về hiện tượng “lên đồng”, các nhà dân tộc học, tâm lý học, âm nhạc học trong cũng như ngoài nước rất chú ý và tìm hiểu, nghiên cứu các hiện tượng "lên đồng" của hát hầu văn. “Lên Đồng là một nghi thức của Đạo Mẫu… mang tính bản địa của người Việt. Tuy nhiên, nếu xét thuần túy về khía cạch tôn giáo học thì nó lại mang những nét khá đặc trưng của Shaman giáo, một loại hình tôn giáo tín ngưỡng phổ quát trên thế giới[11]. Khi lên đồng, vai trò âm nhạc cũng chi phối phần lớn, thử xem thang âm điệu thức nào, tiết tấu nào hoặc sự thay đổi điệu thức, tiết tấu gây ra trạng thái tâm hồn đi đến chỗ nhập vai "lên đồng".
Trong nghi thức lên đồng (hầu bóng), người ngồi đồng với một tâm niệm tin tưởng tâm linh, bày tỏ lòng yêu kính vị thần nào đó, cầu khẩn thỉnh thần về - khi thần nhận lời thì sẽ nhập vào người đó, và người đó sẽ được ân phước của thần.[12] Các "con nhang" đệ tử ngồi đồng phải có ý thức trong hành lễ với một tâm linh thăng hoa cao độ. Người ngồi đồng phần lớn là các bà, các chị nông dân, những người buôn bán ở thị trấn gần xa – họ cầu mong cho sự giải oan số phận, gởi gắm niềm tin, cầu đồng một chuyến may ra giải thoát được nhưng âu lo…Cầu đồng một chuyến để thánh thần cứu giúp, chỡ che, tai qua nạn khỏi, cuộc sống được yên lành, gặp nhiều may mắn thuận lợi.
Người thủ nhang cho biết thêm, trong trình thức lên đồng, rất ít khi người ta dám hầu bóng Mẫu. Mẫu chỉ giáng những lúc có đại sự quốc gia hoặc trong lễ rước mỗi năm một lần.
Thông thường người ta hầu bóng các vị trong "tứ phủ cộng đồng", có thể các ông quan thanh tra giám sát, các ông Hoàng, cô Nương, các Cậu…Có thể ta chọn một số "Giá" hầu bóng về diễn xuất, để nhập vai: Cô Đôi Thượng Ngàn, Cô Bơ Thủy Phủ, Cô Bơ….cung hiến khán giả những màn kịch múa, cởi ngựa múa gươm, chèo đò, bắt bướm v.v… Hiện tượng "lên đồng" có liên quan đến vui trò âm nhạc, hát múa. Giai điệu, nhịp điệu, lời ca tạo không khí dẫn dắt người nghe, người ngồi đồng, vào thế giới tâm linh. Nhịp điệu tự do, lúc thì 3/4, lúc thì 4/4 tính chất kể sự tích nhẹ nhàng sâu lắng, không vội vã. Những tay đàn phải tỏ ra điêu luyện, nếu để âm thanh lọt qua tiếng hát một cách vụng về, dễ bị mời ra khỏi cuộc…
Hát Chầu văn có vai trò quan trọng trong các buổi lên đồng, là phương tiện kết hợp đồng thời với trình tự lễ lên đồng để thỉnh cầu thần linh phù hộ, cũng như phản hồi thông tin từ các vị thần linh.
Trong buổi lễ lên đồng, âm nhạc Chầu văn đóng vai trò kết nối giữa thế giới thần linh với thế giới trần tục. Nó hỗ trợ đắc lực cho các con đồng nhanh chóng nhập giá để vào vai các vị thần linh truyền dạy, chỉ bảo. Trong không gian linh thiêng, các con đồng nhảy múa theo tiếng nhạc rộn ràng, mỗi cử chỉ, điệu bộ, ngôn ngữ, phong thái.... của con đồng đều được các cung văn tấu lên những làn điệu tương ứng, phù hợp từng khoảnh khắc giao tiếp với thần linh.
Âm nhạc Chầu văn được xem như phương tiện gián tiếp để thỉnh cầu thần linh phò trợ đồng thời là phương tiện phản hồi  thông tin từ những lời cầu xin ấy. Ngoài ra, không gian nghi ngút khói hương tràn ngập ánh nến, màu sắc rực rỡ của trang phục hay cách bài trí vật phẩm.... còn là chất xúc tác tăng thêm phần phấn khích cho các cung văn và bà đồng hợp nhất với thần linh. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai đối tượng ấy có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong suốt quá trình diễn xướng nhằm tái hiện tổng quát tính cách, chân dung nhân vật đang hoá thân. Vì vậy, âm nhạc chầu văn có vị trí không nhỏ trong quá trình nhập giá, xuất thần của các con đồng.
Lời ca trong những làn điệu Chầu văn luôn kết hợp với các áng văn chầu để thực hiện vai trò đề cao công ơn của đức Thánh Mẫu đã tạo dựng đất đai, cây cối, dạy cách trồng lúa nước, trừ tà diệt ác đem lại cho nhân dân cuộc sống ấm no, bình yên. Những lúc gặp điều rủi ro, bệnh tật các tín đồ cũng thường đặt niềm tin vào đức Thánh Mẫu mà họ tin rằng, quyền lực siêu nhiên Thánh Mẫu sẽ giúp họ vượt qua hoạn nạn. Với lòng thành kính họ gửi gắm ước nguyện của mình bằng hình thức tổ chức cúng bái, lên đồng như một phương tiện cứu cánh nhằm giải mã những điều bí ẩn vây quanh mình mà bản thân không thể lí giải được. Sự hiện hữu niềm tin diễn ra đồng thời với sự phát triển của lễ thức lên đồng như một nhu cầu tiềm ẩn có sẵn trong từng tín đồ khi tiếp thu và kính cẩn nhận Thiên Y A Na làm Mẫu. Chính quyền năng vô hạn của bà được tôn vinh bằng sự kết hợp của thơ ca và âm nhạc tạo nên hình ảnh thiêng liêng có ảnh hưởng vô cùng sâu đậm trong đời sống tín ngưỡng.
Là một hình thức diễn xướng dân gian khá nguyên sơ với tính sân khấu, có thể tách ra trình diễn, chọn một số GIÁ (liên khúc) của hầu bóng về diễn xuất để nhập vai. Cô đôi thượng ngàn, cậu Bơ…là những nhân vật trình diễn cho người xem những màn kịch múa, hái hoa, bắt bướm, chèo đò, múa dao, cỡi ngựa…thật sinh động và hấp dẫn…
Hát Chầu văn Huế được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa vốn âm nhạc truyền thống của dân tộc để phục vụ cho mục đích tín ngưỡng của các tín đồ thờ Mẫu. Nó mang những giá trị văn hoá tinh thần rất sâu sắc, vừa thể hiện nhu cầu thẩm mỹ vừa thể hiện ước vọng tâm linh của con người trong cuộc sống. Vì vậy, âm nhạc Chầu văn Huế không chỉ là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng – văn hoá cộng đồng mà còn là một loại hình âm nhạc dân gian độc đáo cần được giữ gìn và phát huy trong đời sống hiện đại để làm phong phú thêm món ăn tinh thần cho người dân.
Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của hát Chầu văn Huế hiện nay là công việc thiết thực, cấp bách khi di sản này đã là một bộ phận trong tổng thể di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” vừa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
                                                                                          Vĩnh Phúc

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế (2005), Cố đô Huế xưa và nay, NXB Thuận Hoá – Huế.
- Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế (2006), 700 năm Thuận Hoá – Phú Xuân, Kỉ yếu Hội thảo Khoa học – Huế.
- Dương Văn An (2001) Ô châu cận lục tân dịch hiệu chú. Hiệu đính – hiệu chú Trần Đại Vinh – Hoàng Văn Phúc, NXB Thuận Hoá – Huế.
- Phan Thuận An (1990), Điện Hòn Chén – Kiến trúc Cố đô, Trung Tâm Quản lý Di tích, Huế.
- Tôn Thất Bình (1998), Hát hầu văn ở Huế, Tạp chí Văn hoá Dân gian, số1.
- Võ Hoàng Lan (2000), Hầu đồng – Một hình thức sinh hoạt sân khấu dân gian, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, số 9.
- Hà Xuân Liêm (2003), Tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu ở điện Huệ Nam (Hòn Chén) Huế, Tạp chí Huế xưa và nay, số 58.
- Đặng Văn Lung (1991), Tam Tòa Thánh Mẫu, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
- Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu, NXB Khoa học xã hội.
- Ngô Đức Thịnh (1992), Hát Văn, (chủ biên), NXB Văn hoá dân tộc – Hà Nội 1992.
- Ngô Đức Thịnh (2008), Lên đồng, hành trình của Thần linh và Thân phận, NXB Trẻ, TP. HCM.
- Trần Thu Hà, Đặng Văn Lung (1993), Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế, số 12.
- Trần Thu Hà, Đặng Văn Lung (1995), Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế, số 11.
- Bùi Đình Thảo (1996), Hát chầu văn, (chủ biên), NXB Âm nhạc – Hà Nội.
- Nguyễn Hữu Thông (2001), Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung Việt Nam, (chủ biên), NXB Thuận Hoá – Huế 2001.
- Nguyễn Hữu Thông (2006), Hải Cát, Đất và Người (chủ biên), NXB Thuận Hoá – Huế.
- Trần Đại Vinh (2006), Tín ngưỡng dân gian Huế, NXB Văn hoá Thông tin – Hà Nội.





[1] Xem thêm "Tam Tòa Thánh Mẫu" của Đặng Văn Lung – NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội – năm 1991
[2] Trần Đại Vinh (2006), Tín ngưỡng dân gian Huế, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, trang 138, 139
[3] Trần Đại Vinh,  Sách đã dẫn
[4] Nguyễn Hữu Thông (2006) –Chủ biên “Hải Cát Đất và Người”, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 188
[5] Trần Thu Hà, Đặng Văn Lung, Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế, số 12.1993 và 11.1995.
[6]  “Thánh đường Thiên Tiên Thánh Giáo VN đặt tại số 252 Chi Lăng, Tp. Huế
[7]  “Hải Cát Đất và Người”, Sđd tr. 223

[8] Nguyễn Hữu Thông: Sđd, trang 163
[9] Nguyễn Hữu Thông: Sđd, trang 163
[10] Bùi Đình Thảo (chủ biên, 1996), Hát chầu văn, NXB Âm nhạc, Hà Nội, trang 18.19.
[11] Ngô Đức Thịnh (2008), Lên Đồng – Hành trình của thần linh và thân phận, Nxb Trẻ, Tp. HCM, tr. 93.
[12]  Cũng theo Ngô Đức Thịnh, với Shaman giáo, con người thông quan với thế giới siêu nhiên phải thông qua các thầy Shaman (thầy Đồng), người mà theo quan niệm dân gian có những khả năng phù phép, phép thuật, tự đưa mình vào trạng thái ngây ngất để có thể thông quan với thế giới thần linh. Sách đã dẫn, trang 94.


Đã đăng Tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật, số 407, tháng 5/2018

Website của Tạp chí: 
http://vhnt.org.vn/tin-tuc/am-nhac-va-mua/30877/hat-chau-van-trong-tin-nguong-tho-mau-o-hue
Đăng lại trên website Viện Âm nhạc Việt Nam:
http://www.vienamnhac.vn/bai-viet/nhac-co/hat-chau-van-trong-tin-nguong-tho-mau-o-hue 
Xem thêm: Đồng bóng với Điện Hòn Chén. Phanxypăng


VIDEO LIÊN QUAN
1. Khai bàn Đạo mẫu

2. Đạo Mẫu Xứ Huế


Giới thiệu Sách Báo xưa ☛