Phần III. Phong trào sáng
tác bài hát mới Việt Nam theo phương pháp Âu Tây và một số bài hát Việt Nam đầu
tiên.
Vĩnh Phúc
Tóm tắt: Phong trào sáng tác bài
hát Việt theo phương pháp Âu Tây - tự sáng tác cả lời và nhạc theo lý thuyết âm
nhạc phương Tây - đã nhen nhúm từ rất sớm
trong một số người Việt, trong một số lĩnh vực… Tại Nam Bộ, đầu thế kỷ XX,
ngoài phong trào sáng tác bài bản mới theo lối cổ
truyền trong các hội nhóm Đờn ca tài tử… là
phong trào sáng tác mới được gọi nôm na là “bài Tây theo điệu Ta” để đưa vào
danh mục kịch bản cùng với các bài bản truyền thống của các vở Cải lương; Trong tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo với các tôn giáo
thành viên là Công giáo và Tin lành, để thuận lợi trong việc truyền đạo, các
Giáo phận từ rất sớm đã “Việt hóa” Thánh ca bằng những sáng tác mới theo phương
pháp Âu Tây từ những năm đầu thế kỷ XX; Tại
các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, trong các
nhóm thanh niên, nhạc công từ đầu những năm 1930 cũng đã âm thầm sáng tác, rồi
dần dà công bố các sáng tác mới của mình trong phạm vi nội bộ, mang tính chất
“salon” với một số ít thính giả là người mộ điệu, hoặc lồng ghép vào trong môi
trường sân khấu kịch…
Từ khóa: Tân
nhạc, Nhạc mới, Nhạc cải cách
Sự thay đổi quan trọng, hiệu
quả nhất của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam nằm trong giai đoạn từ 1930 – 1940,
giai đoạn mà GS. Phan Ngọc nhận xét là:.. “Trong
vòng 10 năm, một nhóm người ít ỏi nhờ tinh thần dân tộc đã đổi mới toàn bộ văn
hóa cũ: văn học ngôn ngữ, thơ, tiểu thuyết, phê bình, nghiên cứu âm nhạc, hội họa,
kiến trúc, điêu khắc đều hoán cải và mang hình thức mới”…[1]
Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, tác giả Thụy Loan trong Lược sử âm nhạc Việt Nam đã nhận định: “Trong thời kỳ này đồng thời diễn ra quá trình tiếp thu và đồng hóa từng
bước những yếu tố âm nhạc phương Tây với sự nảy sinh và phát triển của bộ phận
âm nhạc mới Việt Nam”…[2]
Giống như những nhà văn lãng mạn,
thi sĩ của phong trào thơ mới chịu ảnh hưởng bởi văn học lãng mạn Pháp
(như tôn chỉ, mục đích nhóm Tự lực văn đoàn công bố trên Phong Hóa số 87, tháng
3/1934 mục thứ 9: “Đem phương pháp khoa học
thái tây ứng dụng vào văn chương Annam”), các thanh niên Tây học thời bấy
giờ lại chịu ảnh hưởng bởi âm nhạc phương Tây… nhưng trong đó phải thấy rằng
phong trào thơ mới và dòng văn học lãng mạn lại tác động
không nhỏ đến sự hình thành dòng âm nhạc mới Việt Nam, mà bước khởi đầu là
phong trào sáng tác lời Việt cho điệu Tây. Âm nhạc mới (Tân nhạc) Việt Nam hình
thành không chỉ đơn thuần dựa vào sự tiếp xúc âm nhạc châu Âu qua sự truyền bá
của Pháp trong giới thanh niên Tây học tại các đô thị lớn… mà phải kể đến quá
trình tích hợp, tác động, tiếp biến văn hóa Đông Tây, mà sâu xa là từ việc vận
động học chữ quốc ngữ, sự hình thành dòng văn học tiếng Việt, trong đó tiểu
thuyết lãng mạn và thơ mới là những tác nhân đáng kể. Vì rằng, nhạc mới Việt
Nam từ bước khởi đầu đa phần chỉ là thể loại ca khúc, nên yếu tố thơ mới có điều
kiện, tạo điều kiện hình thành nên ca từ của ca khúc bằng yếu tố lãng mạn cũng
như hiện thực.
“Vào năm 1940 việc đặt lời Việt cho những điệu Tây về cơ bản đã hạ nhiệt. Có hai yếu tố dẫn đến sự đi xuống của trào lưu này. Thứ nhất là sự cách ly gián đoạn của Việt Nam với văn hoá đại chúng ở nước Pháp mẫu quốc do Đại chiến Thế giới II. Yếu tố còn lại là một trào lưu mạnh mẽ mới từ người Việt - sáng tác những bài hát gốc của chính mình. Việc dùng những giai điệu Tây phương đã bắc một nhịp cầu cho một hình thức ca khúc Việt Nam mới được gọi là nhạc cải cách”…[3]. “Trào lưu mạnh mẽ mới từ người Việt”… cần hiểu là đãhình thành từ trong cao trào “đặt lời Việt cho những điệu Tây” của tầng lớp thanh niên Tây học được tiếp xúc với lý thuyết âm nhạc phương Tây, đã đến lúc thấy cần thiết phải Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào âm nhạc Việt Nam như chủ trương của nhóm Tự lực Văn đoàn trong văn chương. Nhất là bấy giờ, các nước Trung Hoa, Nhật Bản cũng đã có sáng tác mới theo phương pháp Âu Tây của riêng họ, mà người Việt đã từng phải soạn thêm “lời ta theo điệu Tầu, điệu Nhật”… nên, đã như một điều kiện thuận lợi, thôi thúc những chàng trai Việt mạnh dạn sáng tác những bản nhạc mới của Việt Nam. “Trước kia ta cứ chơi: Mười bản tàu…Bình-bán, Lưu-thủy vân vân, rồi từ ngày quen với Pháp, nhờ các bản Marseillaise, Madelon, rồi gần đây, như vì chán mấy bài cũ, lại lấy mấy điệu của tài-tử chớp bóng như: J’ai deux amours, Le chant du Marin v.v… nhưng chỉ lặp đi lặp lại bản đờn của nước người đó thôi… trong thời kỳ cải cách của văn chương… tưởng cũng nên làm thế nào cho ta có âm nhạc riêng…” nhưng “không thể lấy nhạc tây làm nhạc ta”.[4]
Ngoài phạm vi âm nhạc
Nhà thờ, trong hoạt động xã hội đương thời, nhất là trong phong trào cách mạng
Việt Nam, Đinh Nhu - một thanh niên, một chiến sĩ hoạt động cách mạng, ngoài việc
soạn “lời ta theo điệu tây” từ bài La
Marseillaise thành bài ca có tên “Bài
ca kêu gọi vô sản làm cách mạng” đã nêu ở trước, từ năm 1930 trong trại giam của
thực dân Pháp là nhà tù Hỏa Lò đã sáng tác một bài hát mới Việt Nam đầu tiên
mang thể loại hành khúc trên thang âm ngũ cung là bài “Cùng nhau đi Hồng binh”.
Bài hành khúc được cấu trúc gọn gàng, khúc chiết theo phương pháp Âu Tây ra đời
đã phổ biến rộng rãi trong các nhà tù Hỏa Lò, Côn Đảo và cả trong phong trào
cách mạng từ giai đoạn tiền khởi nghĩa đến Cách mạng Tháng 8 năm 1945…[9]
Bản quốc ca Nam triều thời vua Khải
Định được một số tài liệu cho là một bài bản Đại nhạc rất phổ biến thường được
tấu lên khi vua xa giá hồi cung trong lễ tế Giao, tế Xã tắc ở cung đình, hoặc
ban nhạc lễ ngoài dân gian, là bài “Đăng đàn cung”.
Bài bản “Đăng đàn cung” này được nhiều
tài liệu cho là quốc ca triều Nguyễn với lời ca của Ưng Thiều là:
“Dậy, dậy, dậy mở mắt xem toàn châu
Đèn khai hóa rạng khắp hoàn cầu
Ngọn đường thông thương ngàn dặm, xe tàu điện, tàu nước,
tàu bay
Nghề khôn khéo chạy khắp phương trời
Càng ngày văn minh càng rộng, tranh cạnh lợi quyền”…
Điệu hát truyền thống này từ trước
đã được nhiều người soạn lời mới, nhưng lời ca trên không
phải là của Ưng Thiều như nhiều tài liệu đã đề cập, mà chính là của Nguyễn
Trung Phán, Nguyễn Trung Nghệ soạn và ký âm theo phương pháp cổ truyền, được in
trong cuốn Nam
âm ca xướng giáo khoa thư - Sách dạy
hát tiếng Nam (Chants d’écoliers en annamite) cho học sinh học hát với tên là “Có học mới hay”. “Sách Dạy hát tiếng
Nam” là tài liệu dạy nhạc tại Huế từ năm 1925 trong các trường Pháp – Việt.
Trên đầu bìa sách do Nhà in Tiếng Dân, Huế in lần thứ hai, năm 1929 có ghi: “Sách này
Chánh-phủ đã duyệt y, cho phép dạy trong các trường Pháp-Việt.(Theo lời nghị-định
của quan Toàn-quyền Đông-Pháp ngày 29 Juin 1925)”:
Trích bài “Có
học mới hay”:
Lời
2:
“Người
Nam Quốc, một giống Tiên Rồng,
Thiệt
giòng giai nhân tài tử, xưa rày gọi là nước tài ba.
Nền văn hiến, nặn đúc anh hùng,
Sẵn tài thông minh trời dựng, thêm nghề học hành.
Học càng ngày càng tiến, nghề nghiệp mở rộng.
Nước càng giàu càng mạnh, nòi giống thêm vẻ vang”…
Điệu “Đăng đàn cung” này rất phổ biến trong dân gian, nên từ những
năm 1930 đã được soạn lời mới phục vụ cho tuyên truyền đấu tranh cách mạng, lấy
tên là “Tiến quân”, do nhạc sĩ Lê Quang Nghệ sưu tầm tại Nghệ Tĩnh:
… “Kìa
thân thế cực xiết bao vành.
Nỗi niềm
ta sao đành chịu
Mau lo
liệu đoàn kết từ đây
Người
binh lính, kẻ thợ, dân cày
Lợi
quyền ta nay giành lại”…
Hay
như bài “Mừng ngày Phật đản" của
Ưng Bình Thúc Giạ, năm 1936:
“Vui mừng gặp ngày nay mồng tám tháng tư.
Là khánh tiết Phật Thích Ca Ngài”…
Hoặc bài “Hồng Lạc ca” của Ưng Bình
Thúc Giạ, năm 1940:
“Dân Hồng Lạc mình
đây đã bốn ngàn năm
Gây non nước từ trước
lâu dài
Ngọn cờ Hoa Lư ngời
rạng
Đinh, Lê rồi lại
Lý, Trần, Lê”…
v.v…
Đã có nhiều tác giả vẫn nhầm là quốc
ca triều Nguyễn và đã trích dẫn vào các tài liệu, khảo cứu của mình.[11] Trẻ con ngày xưa cũng thường hát chơi trên điệu
hát này là: “Chè xôi chuối để cúng ông
bà, thịt gà rô ti, thịt vịt, tôm, cua, đậu xào” v.v. và v.v… Vì vậy, việc
xác định bài “Đăng đàn cung” là quốc thiều Việt Nam có từ thời vua Khải Định đã
gây ra sự nhầm lẫn kéo dài.
Trong một số bài viết, điệu nhạc “Đăng đàn cung” cũng thường được khẳng định là Quốc thiều triều Nguyễn. Ví dụ:
Nguồn:
http://nhacdantranh.blogspot.com/2013/05/ang-cung-nha-nhac-cung-inh-hue.html
Bài trên là điệu nhạc “Đăng đàn cung”
được chuyển soạn cho đàn Tranh.
Trong âm nhạc cung đình triều Nguyễn,
hệ thống bài bản thuộc dàn Đại nhạc có nhóm bài bản “Đăng đàn”, đó là những điệu
nhạc khác nhau, được quy định chức năng của từng điệu như sau:
- “Đăng đàn đơn” và một số điệu
khác…: Tấu khi vua lạy trong các cuộc tế lễ của triều đình; “Đăng đàn kép”: Khi
vua lạy tạ trong lễ tế Miếu; “Đăng đàn cung”: Tấu khi vua xa giá hồi cung trong
các cuộc lễ tế Giao, tế Miếu…
“Đăng đàn cung” là điệu nhạc do kèn
Bầu (kèn Dăm, kèn Bóp) diễn tấu trong dàn Đại nhạc (cổ xuy=trống, kèn). Trong
các tế lễ trọng đại không dùng cho dàn Tiểu nhạc (ty trúc=dây, sáo….)
Điệu “Đăng đàn cung” cho Kèn, trích
đường nét giai điệu chính:
Trong một tập sách giới thiệu quốc kỳ,
quốc huy và quốc ca của Pháp và ba nước Đông Dương là “Hymnes & pavillons
d'Indochine” in tại nhà in Viễn Đông của Pháp (D'Extrême Orient) tại Hà Nội
tháng 12 năm 1941, hiện lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp, ngoài quốc kỳ, quốc
huy còn in các bản quốc ca của Pháp, Việt Nam (Annam), Campuchia (Cambodge) và
Lào (Laos) theo bản ký âm ngũ tuyến.
Trích: Quốc ca Campuchia:
Trích: Quốc ca Lào:
Bài quốc ca An nam chính thức có tên
là “Đăng đàn” - (Hymne National Annamite) vào thời Bảo Đại (1925 – 1945) xuất bản
trong tập sách này được phỏng soạn theo điệu nhạc “Đăng đàn đơn” trong hệ thống
các bài bản “Đăng đàn” của Đại nhạc chứ không phải là điệu “Đăng đàn cung”.
Bài hát kí âm theo phong cách âm nhạc
phương Tây, bản in không ghi tên tác giả chuyển soạn và ký âm. (Có thể bài này
mới do Nguyễn Hữu Hối ghi nhạc, Trần Như Tú phối âm, phối khí và sau đó được
Nguyễn Phúc Ưng Thiều soạn lời cho học sinh hát để đón Bảo Đại từ Pháp về năm
1932).
Trong bản in, trang tổng phổ ghi là
“Đăng đàn”, phần dàn nhạc được rút lại cho đàn piano với phần đệm của dàn nhạc
hoàn toàn theo phong cách hòa âm công năng chiều dọc của âm nhạc châu Âu; Bài
hát được soạn ở giọng Đô thứ tự nhiên, hòa âm tiến hành bằng các hợp âm năm
chính I, IV, V và hợp âm phụ là II7 và VIItn… Ở trang lời
ca có ghi chú: “Văn bản sáng tác cho học
sinh được hát trên (trong ngày) Vạn
Thọ”
Bản nhạc “Đăng đàn” được ký âm theo
phương pháp năm dòng kẻ, gồm nhạc và lời đã xuất bản:
Bài quốc ca An Nam in trong “Hymnes & Pavillons D’Indochine”, D'Extrême Orient, Hà Nội, 1941. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque national de France): http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5848625d/f29.image
Trong trang in lời ca lại in là
Đăng-đàn-cung (Điệu Quốc-ca) Hymne National Annamite:
Bản nhạc “Đăng đàn” trên phỏng soạn
theo âm điệu truyền thống bài Đăng đàn
đơn được Bảo Đại kế thừa từ vua cha Khải Định và chỉ cải tiến bản quốc thiều
cho “hiện đại” theo phong cách phương Tây mà thôi…
Trích giai điệu “Đăng đàn đơn” trong
hệ thống Đại nhạc cung đình để tiện so sánh:
Chính phủ Trần Trọng Kim do phát xít Nhật dựng lên,
dù chỉ tồn tại gần 5 tháng, trong tháng 4/1945 với dự thảo kiện toàn chính phủ
mới cũng đã quyết định tiếp tục lấy bài “Đăng đàn” làm quốc ca: “Bài quốc ca thì từ trước vẫn dùng bài “Đăng
Đàn” là bài ca rất cổ, mà âm điệu nghe nghiêm trang. Chúng tôi nghĩ: trước khi có
bài nào hay hơn và có nghĩa lý hơn thì hãy cứ dùng bài ấy”[12].
Một bài khác trong sách Tân nhạc Hà Nội từ đầu thế kỷ XX đến 1945 - Hình thành
và phát triển có đăng bản nhạc nhưng
không bình luận, là bài “Thanh niên tiến lên”, nhạc của Trần Ngọc Quang, lời của
Phạm Văn Xung. Đây là bài nhạc mới “Nghề cinéma” sáng tác năm 1934 được Phạm
Văn Xung viết lời mới cho sinh hoạt Hướng đạo với tên là “Đường trường” và đã
đăng trên báo Ngày nay năm 1938. Sau
này, ông chỉ sửa đổi một số lời cho phù hợp với phong trào Thanh niên đang được
cổ vũ thời bấy giờ.
Bài “Thanh niên tiến lên” trong sách Tân nhạc Hà Nội từ đầu thế kỷ XX đến
1945 - Hình thành và phát triển:
Thanh niên tiến lên
Nhạc: TRẦN NGỌC QUANG
Lời:
PHẠM VĂN XUNG
Cả hai bản in đều sai với bản
gốc của tác giả âm nhạc Trần Ngọc Quang: Bản in trên Ngày nay năm 1938 thiếu dấu hiệu xác định giọng ở hóa biểu; bản in
trong Tân nhạc Hà Nội từ đầu thế kỷ XX đến 1945 - Hình thành và phát triển lại để dấu fa
thăng trên suốt hóa biểu, xác định giọng Sol trưởng cho toàn bài… Trong bản
in gốc năm 1935, từ nhịp 23 đã chuyển qua giọng Đô trưởng với dấu hiệu Fa bình trên hóa biểu…
Một số tư liệu về Trần Ngọc Quang và các sáng tác mới của ông:
Trần Ngọc Quang, một thành
viên sáng lập, một diễn viên, một tác giả sáng tác âm nhạc trong Hội kịch Bắc kỳ…
được Jason Gibbs - một người Mỹ có nhiều nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam, giới
thiệu trong bài “Kịch nói, La Scène Tonkinoise (Hội kịch Bắc kỳ),
và những bài hát tân nhạc Việt Nam đầu tiên” cho rằng: “Những bài hát do Trần Ngọc Quang sáng
tác có thể là những sáng tác đầu tiên của một người Việt Nam bằng cách diễn đạt
phương Tây, và ít nhất thì xem như những bản sớm nhất có ký âm và được xuất bản”...[13] Các bài hát mới được Trần
Ngọc Quang sáng tác theo phương pháp Âu Tây từ năm 1934 cho vở kịch nói “Kịch trường vạn tuế” diễn tại nhà hát
Tây, Hà Nội tháng 12 năm 1934, đã được in trong tuyển tập “Những bài hát mới” năm 1935 như “Đời tài tử”, “Bả kim tiền”, “Bạn
bè đời nay”, “Lời thề”, “Nghề Cinéma”… Mặc dù sử dụng trên sân khấu kịch nói,
nhưng một số bài được đã được phổ biến rộng rãi, như bài “Nghề cinéma” được tổ
chức Hướng Đạo soạn lời mới với nhiều nội dung và tên khác nhau như “Đường trường”,
“Luật hướng đạo”, “Thanh niên tiến lên” theo cách viết “lời ta theo điệu Tây”
thời bấy giờ…
Bản
ký âm của bài “Nghề cinéma” in trong tuyển tập “Những bài hát mới” năm 1935 theo tài liệu gốc, trích, dẫn từ bài viết
của Jason Gibbs:
Chép lại đầy
đủ theo bản gốc trên:
“Nghề cinéma” là một trong các bài hát mới của Trần Ngọc Quang được
Hội kịch Bắc kỳ trình diễn tại nhà hát Tây, Hà Nội năm 1934 như đã nêu trên.
Giai điệu bài “Nghề cinéma” sau đó trở thành bài hát Hướng đạo do Phạm Văn Xung
viết lời với tên “Đường trường”. “Đường trường” được in trên báo Ngày nay số 129 ngày 24/09/1938 với lời
giới thiệu rất đầy đủ về tác giả sáng tác. Bài hát trở thành một trong số những bài hát đầu tiên được
in ra trong đợt vận động ủng hộ những bài nhạc cải cách năm 1938.
ĐƯỜNG TRƯỜNG
Bản in trên Ngày nay số 129, 24 tháng 9/1938 so với bản gốc của “Nghề cinema”
ở trên, đã khắc in thiếu dấu fa thăng
ở hóa biểu và thừa dấu rê thăng ở
nhịp thứ 9 v.v…[14] Một bài hát mới khác của Trần Ngọc Quang viết năm 1934, cùng in
trong tuyển tập năm 1935 là bài “Lời thề”, nhạc và lời được trình bày theo lối
“chữ nhạc” thường thấy trong các bản
ký âm giai điệu nhạc cổ truyền. Tuy nhiên “chữ
nhạc” không phải là “hò - xự - xang” mà là “đồ – rê – mí”…
Bản in nhạc và lời
bài “Lời thề”: Phần ký âm theo phương pháp Âu Tây được vận dụng theo lối “chữ nhạc”
Việt Nam là một sáng tạo thời bấy giờ. Bản in được ghi “dịp hai C” sẽ được hiểu
là loại nhịp 2/2, các dấu phẩy là gạch nhịp, chữ nốt in nghiêng là móc đơn v.v…
Trích chép bản chuyển biên qua
ký âm ngũ tuyến của Jason Gibbs trong bài đã dẫn, có bổ sung thêm. Bài hát được
viết trên tiết điệu nhạc nhảy châu Âu là Slow fox, lời của Trần Ngọc Diệp: Từ đầu những năm 1930, phong trào “sáng tác theo phương pháp Âu tây” - tự sáng
tác cả lời và nhạc theo lý thuyết âm nhạc phương Tây - nhen nhúm trong một số
nhóm thanh niên, nhạc công tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Huế,
Quảng Nam – Đà Nẵng…. Ban đầu họ tự mày mò, âm thầm sáng tác, đến năm 1937,
nhóm các nhạc công, nhạc sĩ trẻ mới dần dà công bố các sáng tác mới của mình
trong phạm vi nội bộ giữa các nhóm nhạc tài tử, mang tính chất “salon” với một
số ít thính giả là người mộ điệu, bạn bè. Ngoài Hà Nội, với đội ngũ nhạc công
trẻ được đào tạo hoặc tự học âm nhạc phương Tây như đã nói ở trước, thì các
thành phố khác như Hải Phòng gồm có Lê Thương, Hoàng Quý, Hoàng Phú (Tô Vũ),
Văn Cao, Đỗ Nhuận, Canh Thân, Phạm Ngữ…
Nam Định có Đặng Thế Phong, Bùi Công Kỳ, Tạ Phước, Hoàng Trọng… Huế có
Nguyễn Văn Thương, Văn Giảng, Lê Quang Nhạc, Ngô Ganh, Lê Cao Phan, Lê Mộng
Nguyên, Nguyễn Hữu Ba… Đà Nẵng có La Hối, Phan Huỳnh Điểu, Dương Minh Ninh, Lê
Trọng Nguyễn, Trương Đình Quang… Quảng Ngãi có Vân Đông, Lâm Tô Lộc…Sài Gòn có
Thái Thị Lang, Võ Đức Thu, Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê, Nguyễn Mỹ Ca, Nguyễn
Văn Tuyên, Trần Văn Nhơn,… là những thành viên tích cực hưởng ứng phong trào
sáng tác và hoạt động âm nhạc Âu tây. Tại Hà Nội, theo nhạc sĩ Doãn
Mẫn[15],
năm 1935, Lê Yên đã sáng tác một số bài hát mới đầu tiên, tiêu biểu là bài “Bẽ
bàng”, “Vườn xuân”, “Một ngày vui”… Năm 1937 viết “Nghệ sĩ hành khúc”… Các sáng
tác của ông thời kỳ đầu này thường được trình bày trong những lần tụ họp của
nhóm bạn bè mang tính chất gia đình, cùng với Văn Chung, Doãn Mẫn để bổ sung
cho nhau về kiến thức âm nhạc, trao đổi về kinh nghiệm sáng tác và tác phẩm của
nhau… Cùng trong nhóm bạn bè với Lê Yên, Doãn Mẫn, nhạc sĩ Văn Chung thời
kỳ này, năm 1935, đã sáng tác những bài hát mới đầu tiên như “Tiếng sáo chăn
trâu”, năm 1936 là “Bên hồ liễu” và năm 1937 ông viết “Bóng ai qua thềm”…Bài
hát đầu tiên của nhạc sĩ Doãn Mẫn được sáng tác năm 1937 là “Tiếng hát đêm
thu”, có sự cộng tác của Văn Chung về lời ca, cùng năm đó có thêm “Gió thu”.
Trong nhóm ba người, Văn Chung là người đầu tàu trong việc quản lý, đề xuất mọi
hoạt động của nhóm. Nhóm ba người này vẫn âm thầm miệt mài sáng tác và gắn bó với
hoạt động âm nhạc và công việc in ấn, xuất bản âm nhạc về sau với tên gọi là
nhóm Tricéa. Mùa thu 1937, nhóm ba người Văn Chung, Doãn Mẫn, Lê Yên đã mạnh dạn
chuẩn bị một chương trình gồm các sáng tác đầu tay của nhóm như “Trên thuyền
hoa” (Văn Chung), “Vườn xuân” (Lê Yên)… để ra mắt trước công chúng tại Hội Khai
trí Tiến Đức nhưng không thành, vì sự khó khăn về địa điểm trình diễn tại trụ sở
hội quán… Tại Hải Phòng, Lê Thương từ
năm1936 đã sáng tác bài “Xuân năm xưa”, “Tiếng đàn đêm khuya”… Cùng năm này, ở
Huế, Nguyễn Văn Thương viết bài hát mới đầu tiên là “Trên sông Hương”.
Theo trí nhớ của nhạc sĩ Lê Thương, trong năm 1937, “vài
nhạc sĩ Việt-Nam đã bắt đầu truyền bá những bài hát mới đầu tiên như Thẩm Oánh
và Dương Thiệu Tước, Trần Ngọc Quang tại Hà Nội, Lê Thương tại
Hải Phòng, Nguyễn Văn Tuyên tại Saigon trong miền Thị Nghè, và trên đài Radio
Saigon, Nguyễn Xuân Khoát và Phạm Đăng Hinh với nhóm học sinh theo học đàn,v.v…”[16]. Phạm Đăng Hinh, năm 1937 đã sáng tác bài “Đám
mây hàng” trong thời gian ở Hồng Kông. Bài hát này đã được báo Ngày Nay in
trong đợt công bố các bài hát cải cách vào tháng 8/1938 với lời ca của Phạm Văn
Xung. Theo nhạc sĩ Thẩm Oánh, trong một bài viết năm 1953[17] cho rằng năm 1937 là năm phát sinh của nền ca nhạc
Việt Nam. Tuy nhiên cũng chỉ là phong trào “Salon” đang thịnh hành: “Từng nửa tháng một, phái nam, nữ cấp tiến ưa
chủ trương mời khách để phiếm luận văn chương bình luận thi ca hoặc hòa nhạc”.
Giữa năm 1937, theo phong trào “Salon”, nhóm Thẩm Oánh thành lập một ban nhạc
mà ông gọi là “ban nhạc tài tử” gồm bảy, tám người tụ họp nhau hòa nhạc mua
vui… lấy tên là ban đàn Myosotis (hoa lưu ly), nghĩa tiếng Anh của loài hoa
này là “forget me not” (đừng quên tôi). Ban đầu, ban đàn chỉ tập và chơi các
bài nhạc Tây thịnh hành thời bấy giờ, sau đó nảy ra ý tưởng tự sáng tác bài cho
ban nhạc hòa đàn. Ban nhạc “tài tử” nhưng có đầy đủ các giọng ca và nhạc cụ, như: piano (Tô Anh Đào, học piano tại Viện Âm Nhạc Hà Nội - Institute Musical de Hanoi), guitare, guitare Hawaii (Dương Thiệu Tước), violon (Vũ Khánh, Trần Khánh Dư, Đoàn Văn An), mandolin, (Thẩm Oánh), về sau có sự tham gia: banjo và guitare Hawaii (Nguyễn Thiện Tơ), sax và cello (Nguyễn Trí Nhường). Dương Thiệu Tước, một thành viên quan trọng của nhóm, sau này đã trả lời phỏng vấn trên tạp chí Bách Khoa Sài Gòn những năm 1960 về việc bắt đầu sáng tác bài hát Việt Nam theo phương pháp Âu tây: “ Hồi cuối năm 1936, tôi và Thẩm-Oánh, trong cuộc tản bộ quanh Hồ Gươm một chiều mùa đông, có mưa phùn và gió bấc, chúng tôi bàn nhau: Ở những quốc gia gần ta như Trung-Hoa Dân-Quốc, Nhật-Bản, đều theo kịp trào lưu nhạc quốc tế, nghĩa là họ có những bản nhạc mới của họ, tại sao người Việt ta lại không có lấy một bản nhạc mới, đến nỗi phải mượn nhạc của người làm lời Việt mà hát. Thế là chúng tôi bắt đầu sáng tác” [18]… Những sáng tác thời kỳ đầu của nhóm như: "Trong đêm thâu" và "Khúc yêu đương" của Thẩm Oánh, "Souvenance" (Hồi niệm) và "Joie d'aimer" (Thú yêu đương) của Dương Thiệu Tước (lời tiếng Pháp của Thẩm Bích)… Ban đàn Myosotis và các bài nhạc cải cách của nhóm, từ năm 1938 – 1940 đã được mời ra biểu diễn công khai trước công chúng Hà Nội, trên sân khấu các rạp Olympia, Majestic, Palace cho các tổ chức xã hội như Hội Ánh Sáng, Hội Truyền Bá Quốc Ngữ, Hội Thể Dục Bắc Việt và hội Đông Dương Công Chức Thể Thao.
(Hết phần III) TÀI LIỆU THAM
KHẢO SÁCH BÁO - Hoàng Dương (2002) - Chủ
biên, Phạm Tuyên, Hồ Quang Bình, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Tân nhạc Hà Nội từ đầu TKXX đến 1945 Hình
thành và phát triển, Hội Âm nhạc Hà Nội. - Phạm Duy (2017), Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu, Nxb Thế Giới, Hà Nội. - Jason Gibbs (2008), Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long
- Câu chuyện âm nhạc, Nguyễn Trương Quý dịch, NXB Tri Thức, Hà Nội.- Trần Trọng Kim (1969), Một cơn gió bụi (Kiến văn lục), NXB Vĩnh Sơn, Sài Gòn. - Thụy Loan (1993), Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nxb Âm Nhạc, Hà Nội. - Phan Ngọc (2000), Một
cách tiếp cận văn hóa, Nxb Thanh Niên, Hà Nội. - Bách Khoa, Sài Gòn, số 159, năm 1963. - Ngày Nay, Hà Nội, các số từ
năm 1937 – 1940. - Nhạc Tiền Chiến (1970), Nxb Kẻ Sĩ, Sài Gòn. - Vĩnh Phúc (2011), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam qua báo chí nửa sau thế kỷ XX, Nxb Thuận Hóa, Huế. - Tân
Văn tuần báo, Sài Gòn, số 38, năm 1935. - Trung
Bắc Tân Văn, Hà Nội, năm 1940 - Văn Hóa Nguyệt San, số
13, Hà Nội, 1953. INTERNET - Hoàng Anh & BomBo (2010), Bài
Thanh ca Giáng sinh VN bất hủ trên 100 năm: http://conggiao.info/bai-thanh-ca-giang-sinh-vn-bat-hu-tren-100-nam-nua-dem-mang-chua-ra-doi-d-3857- - Bài quốc ca An Nam in
trong “Hymnes & Pavillons D’Indochine”, D'Extrême Orient, Hà Nội, 1941. Nguồn: Thư viện Quốc gia
Pháp (Bibliothèque national de France): http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5848625d/f29.image-Nguyễn
Đức Cung (2010 ), Về một bản Thánh ca Giáng sinh: https://gpbanmethuot.net/van-hoc-nghe-thuat/ve-mot-ban-thanh-ca-giang-sinh-2039.html - Phạm Duy (2002), Khái quát về Tân nhạc Việt Nam, Nguồn: https://phamduy.com/vi/van-nghien-cuu/khai-quat-ve-tan-nhac-viet-nam/5448-thoi-ky-chuan-bi-giua-thap-nien-30. - Jason Gibbs
(2000), Spoken Theater, La Scene Tonkinoise, and the First Modern
Vietnamese Songs, Asian
Music 31/2 (Spring/Summer 2000), 1-34, Nguyễn Trương Quý dịch. Đã in lại
trong tuyển tập “Rock Hà Nội và Rumba Cửu
Long”, Nxb Tri Thức, Hà Nội, 2008. - Jason Gibbs (2006), Bài Tây, bài ta: Khúc dạo đầu và chuyển thể
của ca khúc phổ thông Tây phương ở Việt Nam trước 1940, Nguyễn Trương Quý dịch, nguồn : http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6803&rb=0206. đăng lại trong sách “Rock Hà Nội và Rumba
Cửu Long - Câu chuyện âm nhạc”, Nguyễn Trương Quý dịch, NXB Tri Thức, Hà
Nội, 2008. - Hồi ký Trần Văn Khê, nguồn: https://tranvankhe1921.co/category/hoi-ky/ - http://lichsu.hodaobung.com/Bai-viet/711/nhac-phamnua-dem-mung-chua-ra-doi.aspx - Lịch_sử_Thánh_nhạc_Công_giáo_Việt_Nam,
nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/ - http://nhacdantranh.blogspot.com/2013/05/ang-cung-nha-nhac-cung-inh-hue.html. - https://thuvien.datviet.com/nho-ve-nhac-si-le-yen.html
- Nguyễn Đình San (2016), Chuyện chưa kể về tác giả ca khúc “Cùng nhau đi Hồng binh”. Nguồn:
Văn nghệ Công an Online http://vnca.cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Chuyen-chua-ke-ve-tac-gia-ca-khuc-Cung-nhau-di-hong-binh-405624/ Chú thích chân trang: 1 Phan
Ngọc (2000), Một cách tiếp cận văn hoá,
Nxb Thanh Niên, Hà Nội, tr. 104. 2 Thụy Loan (1993), Lược
sử âm nhạc Việt Nam, Nxb Âm Nhạc, Hà Nội, tr. 10. 3 Jason Gibbs, “Bài Tây, bài ta: Khúc dạo đầu và chuyển thể
của ca khúc phổ thông Tây phương ở Việt Nam trước 1940”, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6804&rb=0206, đăng lại trong sách “Rock Hà Nội và Rumba
Cửu Long - Câu chuyện âm nhạc”, Nguyễn Trương Quý dịch, NXB Tri Thức, Hà
Nội, 2008. 4 Cung Giủ Nguyên (1935), Âm nhạc nước nhà, Tân Văn, Sài Gòn, số 38, ngày 4/5, tr.15. 5 Theo Hồi ký Trần Văn Khê, nguồn: https://tranvankhe1921.co/category/hoi-ky/ 6 Thụy Loan, sách
đã dẫn, tr.66. 7 - Xem thêm: https://vi.wikipedia.org/wiki/Lịch_sử_Thánh_nhạc_Công_giáo_Việt_Nam; - Hoàng Anh & BomBo (2010), Bài Thanh ca Giáng sinh VN bất hủ trên 100 năm: http://conggiao.info/bai-thanh-ca-giang-sinh-vn-bat-hu-tren-100-nam-nua-dem-mang-chua-ra-doi-d-3857; - Nguyễn
Đức Cung (2010), Về một bản Thánh ca
Giáng sinh, từ: https://gpbanmethuot.net/van-hoc-nghe-thuat/ve-mot-ban-thanh-ca-giang-sinh-2039.html 8 Hoàng Dương - Chủ
biên, Phạm Tuyên, Hồ Quang Bình, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh (2002), Tân nhạc Hà Nội từ đầu thế kỷ XX đến 1945 - Hình
thành và phát triển, Hội Âm nhạc Hà Nội, tr.40. 9 Xem
thêm: Nguyễn Đình San (2016), Chuyện chưa kể về tác giả ca khúc “Cùng nhau đi
Hồng binh”. Nguồn: Văn nghệ Công an Online http://vnca.cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Chuyen-chua-ke-ve-tac-gia-ca-khuc-Cung-nhau-di-hong-binh-405624/ 10 Tân nhạc Hà Nội… Sách
đã dẫn, tr.165, 166, 167. 11 Vĩnh Phúc (Bùi
Ngọc Phúc), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam
qua báo chí nửa sau thế kỷ XX, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2011, tr.85. 12 Trần Trọng Kim (1969), Một cơn gió bụi
(Kiến văn lục), Nxb Vĩnh Sơn, Sài Gòn, tr.60. 13 Jason Gibbs (2000), Spoken Theater, La Scene Tonkinoise, and the First Modern Vietnamese Songs, Asian Music 31/2 (Spring/Summer 2000), 1-34, Nguyễn Trương Quý dịch. Đã in lại trong tuyển tập Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long, Nxb Tri Thức, Hà Nội, 2008. 14 Bài “Đường trường”
trong “Lược sử âm nhạc Việt Nam” của
Thụy Loan (đã dẫn) cũng căn cứ vào bản in trên Ngày nay năm 1938 này. 15 Hồi ký, được ghi là viết nhân dịp nghỉ an dưỡng cùng với Ns. Lê
Yên tại Đầm Vạc (Vĩnh Phú) tháng 9 năm 1989. Nguồn: https://thuvien.datviet.com/nho-ve-nhac-si-le-yen.html 16 Lê Thương (1970),
Thời Tiền chiến trong Tân nhạc 1938-1946,
Lời giới thiệu cho Tuyển tập Nhạc Tiền
Chiến, Nxb Kẻ Sĩ, Sài Gòn. 17 Thẩm Oánh (1953),
Sức tiến triển của nền Việt Nhạc, Văn Hóa
Nguyệt San, số 13, Hà Nội, tr.255, 256, 257.
18 Nguiễn Ngu í (1963), Phỏng vấn giới nhạc sĩ, Bách Khoa, Sài
Gòn, số 15 |