Phần II. “Lời ta theo điệu Tây” Sự Việt hoá ban đầu trong Tân nhạc Việt Nam
Sự tiếp xúc ban đầu với âm nhạc phương Tây qua phim ảnh,
đĩa hát,… đã ảnh hưởng đậm, nhạt khác nhau trong việc Việt hóa âm nhạc phương
Tây, mà bước đầu là mở ra phong trào phỏng dịch, rồi sáng tác lời Việt theo
giai điệu các bài hát phổ thông của Pháp, được gọi là “bài ta theo điệu Tây”. Phong trào viết và hát bài ta theo điệu Tây
đã nở rộ và thịnh hành trong mọi lĩnh vực, tầng lớp, nhất là thanh niên, học
sinh Tây học các vùng đô thị Việt Nam giai đoạn từ cuối thập niên 20, đầu thập
niên 30 của thế kỷ XX.
Qua
sự tiếp xúc với âm nhạc phương Tây theo các con đường đã trình bày ở phần I: “Sự
tiếp xúc ban đầu với âm nhạc phương Tây”, thanh niên Việt Nam vùng đô thị, chủ
yếu là học sinh, sinh viên say mê hát những bài hát Pháp như La Madelon, La Marseillaise, La chanson du dépert và những bài hát thời thượng của Pháp (chansons à la mode)
trong những năm 1930 như Parlez-moi
d'amour, J'ai deux amours, La petite Tonkinoise, Pourquoi, Amusez-vous, Marinella, C’est À Capri… hay gọi
chung là “bài hát xi-nê”. Giai đoạn
đầu, họ hát theo nguyên bản tiếng Pháp, rồi phỏng dịch ra lời Việt và tiến xa
hơn là soạn luôn lời mới bằng tiếng Việt cho các “bài hát xi-nê” đang thịnh hành.
Một phong trào mới bắt đầu hình thành: soạn “lời ta theo điệu Tây” và hát “bài ta theo điệu Tây”. Là
phong trào sáng tác lời ca Việt Nam theo giai điệu của các bài hát phương Tây, sẽ gọi chung là “bài ta theo điệu Tây”. Phong trào này nhen nhúm từ đầu những
năm 1920, nhưng nở rộ và
thịnh hành nhất là vào giai đoạn 1934 – 1937 rồi hạ nhiệt, và lay lắt đến đầu thập niên 1950 (Những năm 1960 – 70, phong trào soạn “lời ta điệu Tây” lại trỗi dậy tại Sài
Gòn qua phong trào chuyển ngữ ca khúc nhạc trẻ thời trang nước ngoài, gọi là
dòng nhạc Ngoại quốc lời Việt, tiêu
biểu là loạt bài được thu thanh và phát hành băng nhạc “20 bản tình ca bất tử”
do nhạc sĩ Phạm Duy và Y Vân soạn lời Việt, khoảng năm 1960. Phần này sẽ được đề cập tới trong giai đoạn 1954-1975).
Các “bài ta theo điệu Tây” như La Marseillaise
(quốc ca Pháp), La Madelon được ra
mắt công chúng đầu tiên dưới hình thức các tiết mục mở màn, đóng màn trong các gánh hát cải lương
Nam kỳ (Từ đầu những năm 1930, Pháp mới truyền bá ồ ạt các các bài hát đang thịnh hành
khác); tiếp theo là các chương trình phụ diễn ca nhạc trong các rạp chiếu bóng, đài phát
thanh Đông Dương (Radio Indochine); được in ấn trên các trang phụ trương của
nhiều tờ báo thời bấy giờ như Đông Pháp, Ngọ Báo…thậm chí ở những trang cuối của
các cuốn tiểu thuyết trinh thám đang ăn khách, hay
kể cả các cuốn tiểu thuyết lãng
mạn của nhóm Tự lực văn đoàn, như “Trống
Mái” của Khái Hưng v.v...
Trào
lưu soạn lời Việt cho bài hát Tây đã trở thành mốt thời thượng thời bấy giờ. “Thiên hạ thi nhau soạn lời ca, theo cảm hứng
riêng mình, vì vậy đã có nhiều bài âm điệu thì buồn, lời hát thì vui hay trái lại”[1]. Nhiều tuyển tập bài hát “lời ta theo điệu Tây” ra đời,
như tập bài hát “Tiếng hát tuyệt vời”
của các soạn giả lời Việt là Trọng Bình, Mạnh Hạnh, Đức Sêlô, Hoài Ngọc… do nhà
in Thái Bình Dương, Hà Nội xuất bản năm 1938 v.v… Để đáp ứng nhu cầu “thị trường” của giới
thanh niên Tây học theo trào lưu soạn “lời ta theo điệu Tây”, soạn giả Trần Hối
còn xuất bản tập sách “Nghệ thuật soạn bài hát” bàn về cách thức soạn lời Việt
theo các điệu hát Tây và kèm theo 25 bài mẫu do tác giả soạn[2].
Như
đã nói, việc đưa bài hát Tây lời ta ra công chúng đầu tiên phải kể đến các gánh
hát cải lương Nam Kỳ. “Bài Tây” được soạn lời việt sớm nhất là bài quốc ca Pháp
Marseillaise và bài hát phổ thông năm
1917 là Quand Madelon (cũng được gọi
là La Madelon). Năm 1927, gánh hát Nghĩa Hiệp Ban ở Nam Kỳ ra Hà Nội
diễn tại các rạp Quảng Lạc và Sái Nhiên đài, đêm nào gánh hát cũng mở màn toàn
đoàn bằng điệu hát Madelon.
Hoặc một lời Việt
khác dựa trên chuyện Kiều: “Vân, Kiều thuở
xưa, đôi xuân nữ thắm tươi như hoa”…
Bài Marseillaise được soạn nhiều lời Việt khác nhau cũng được dùng
trong các gánh hát cải lương. Thí dụ một bài hát yêu nước có tên là Trưng Nữ
Vương:
Qua đó, công chúng khán giả đã tìm thấy sự
mới lạ trong ngôn ngữ âm nhạc của các điệu hát phương Tây so với các điệu hát,
điệu nhạc cổ truyền của dân tộc. Phong trào “hát lời ta theo điệu Tây” đã có
tác dụng truyền bá thể loại nhạc nhẹ phương Tây ở các đô thị nước ta một cách
khá nhạy bén và hiệu quả, đã dần dần làm thay đổi thị hiếu của công chúng thanh
niên ham thích sự mới lạ đến từ phương Tây. Vì vậy, trong
đầu những năm 1930, những bài hát thời thượng của Pháp tràn vào Việt Nam qua
đĩa hát và nhất là sự xuất hiện của phim nói, đã trực tiếp ảnh hưởng đến quan
điểm thẩm mỹ trong việc tiếp thu và thưởng thức âm nhạc. …“phim ảnh trở thành phương tiện chuyển tải để âm nhạc phổ thông Tây
phương thâm nhập đời sống giao tiếp đô thị bản xứ Việt Nam”[5].
Phong trào hát bài xi-nê và soạn lời
Việt theo điệu Tây được thanh niên Tây học rầm rộ hưởng ứng. “Hội kịch Bắc Kỳ”
trong hai vở kịch nói năm 1934: “Vì đâu cô tự sát”, “Vụ ly dị kỳ khôi” đã soạn
lời ta bài hát Sầm Sơn trên giai điệu
bài Les gars de la marine và bài hát Hai tình yêu của chúng ta theo giai điệu
ca khúc phổ thông của Pháp nổi tiếng thời đó là J’ai deux amours.
Bài “lời ta
theo điệu Tây” Sầm Sơn được hát trong lúc giải lao
ngắn của vở kịch “Vì đâu cô tự sát”. Bài hát ca ngợi cảnh đẹp và thú vui ở bãi
biển Sầm Sơn:
Bài Hai tình yêu của chúng ta (trích phần điệp khúc):
Bài
hát J’ai deux amours cũng đã được nghệ
sĩ Tư Chơi (tức Huỳnh Thủ Trung) đưa vào tuồng cải lương “Ai là bạn chung tình”
với lời Việt của Nguyễn Thành Châu, tức Năm Châu. Bài này có bản soạn lời khác
với tên Tôi có hai mối tình.
Các gánh hát cải lương trong những năm
1933, 1934 không chỉ dùng “bài ta điệu tây” để mở
màn, hạ màn hoặc phụ diễn trong giờ giải lao… mà còn soạn lời Việt theo nội
dung và đưa vào trong diễn biến của tuồng kịch. “Nhóm Kim Thoa của Tư Chơi và gánh Kim Chung tìm cách pha phách nhạc Tây
vào câu ca bài bản cũ Việt”[6].
Các bài hát Tây lời Việt đã đưa vào trong
các vở cải lương, đan xen với các làn điệu,
bài bản cải lương truyền thống những năm 1930, có thể kể ra: Soạn giả Huỳnh Thủ
Trung (Tư Chơi) như: J'ai deux amours, trong vở “Khúc oan vô lương”; Các
bài Pouet Pouet, Pourquoi, C'est
pour mon papa và J'ai deux amours trong “Ai là bạn chung tình”…; Nguyễn Thành Châu: Marinella trong vở “Phũ phàng”, Tango
mystérieux trong “Đoá
hoa rừng”, Venez avec moi trong “Giấc mộng cô đào”… ; Trần Hữu
Trang: J'ai deux amours và 7 bài khác trong “Lửa đỏ lòng son” [7]…
đã ăn sâu vào lòng khán thính giả mộ điệu, đi đâu cũng có thể nghe thanh niên
thời bấy giờ nghêu ngao hát. Tuy nhiên, một số thức giả thời bấy giờ không hẳn
ai cũng mặn mà với lối “cải cách” đưa nhạc Tây vào nội dung, hành động kịch của
các gánh hát cải lương Nam Kỳ. Nhất là gánh hát Trần Đắt và Phước Cương với các
đào kép Năm Phỉ, Phùng Há, Năm Châu… rất được ái mộ.
Trích dẫn một vài ý kiến đăng trên Ngọ Báo,
Tràng An năm 1933, 1934 và 1935: …“Tả một bác Annam tán gái mà giãi bày tâm-sự
bằng điệu hát như những điệu “se on ne S’était pasconnu” hay là “J’ai ma
combine”… Nếu bỏ lối hát “lai căng” ấy đi, mà hát thay vào bằng những điệu
âm-nhạc ta, thì cứ cái giọng của Phùng Há với cái tài của Năm Châu, lo gì những
buổi hát… một bài ca Trường tương tư nghe cũng thấm thía và hợp tâm tình của
mình hơn một bài hát ta lối Tây”[8]. Nhiều người lại phản đối thẳng thừng:… “Phải, sau khi tôi đi xem ban “Trần Đắt” hát
thì tôi lo lắng một ngày kia những giọng hát ta sẽ bị mai một đi mà ở trên sân
khấu ta, người ta chỉ nghe thấy toàn điệu hát Tây” … “Đem điệu Tây hát bằng
tiếng ta mà phổ vào tích ta, ấy là làm một điều trái với mỹ-thuật” [9]…;
Hoặc: … “Gánh hát Trần Đắt cải cách điệu
hát quá táo bạo, đến nỗi dám “nhập cảng” các bài hát Tây! Nhiều người ưa lạ,
thích lắm! Còn tôi, tôi phản-đối kịch-liệt các lối hát “Tam-quốc” này”[10]…;
“Các gánh
hát cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều của phim nói… thường có những bài hát tây
trong phim nói đặt theo tiếng ta… gánh hát cải-lương nào cũng đua nhau hát bài
Tây”… “Theo ý tôi thì hai lối hát tây, nam không thể dung-hòa với nhau được…
một vai đào thương sau khi nghẹn ngào thổn-thức với một bài vọng cổ… thiệt “Nam
kỳ” phải ngập-ngừng đổi giọng cho thiệt tây, lựa hơi cho thật đúng với tiếng
đàn piano hay tiếng kèn clarinette”…[11].
Thế nhưng, hát Tây trong các gánh hát cải
lương biểu diễn tại Hà Nội trong năm 1936, vẫn cuốn hút khán giả. Vì thế, trên
các quảng cáo đều được thông báo có điệu hát Tây lời ta:
|
|
Rạp Hiệp Thành, HN quảng cáo trên Đông Pháp, 2/2/1936 và
21/3/1936 |
Phong trào soạn “lời ta điệu Tây” không
dừng lại trong các gánh hát, mà còn lan rộng trong công chúng trên mọi lĩnh
vực. Nhạc sĩ Lê Thương, trong lời tựa tuyển tập “Nhạc Tiền chiến” do Kẻ Sĩ, Sài
Gòn xuất bản năm 1970, đã viết: “…năm 1937, năm bành trướng nhất của những bài hát nói
trên (Bài ta điệu Tây). Tại đài phát thanh Radio Saigon như tại Hà Nội, Huế,
đâu đâu cũng thấy ca hát theo giọng Tino Rossi, từ các rạp hát tiệm khiêu vũ,
quán rượu, đến thư phòng, gác trọ. Nhiều hãng dĩa như Béka đã bắt đầu ném ra
thị trường những bài hát ấy do các cô Ái Liên và Kim Thoa ca”.
Trong khoảng thời gian này, nghệ sĩ cải
lương Kim Thoa và nghệ sĩ cải lương gánh Phước Cương, đồng thành viên Hội Kịch
Bắc Kỳ là Ái Liên, đã thu âm những bài “Hát theo điệu Tây” cho hãng Béka. Trên một mặt đĩa “Hát theo điệu Tây”, ký hiệu B 20526-1,
Ái Liên hát lời ta theo giai điệu bài Guitar d'amour (của Schmideder
và Poterat) với dàn nhạc của Francois Nở.
Hay bài Aprés Toi Je N'aurai Plus D'amour do Ái Liên hát bằng tiếng Pháp:
Trong phong trào hoạt động cách mạng, đảng Cộng sản Đông Dương đã nhận thấy giá trị tuyên truyền của những ca khúc như vậy từ rất sớm, nhất là những bài hát hành khúc mang tính chất thúc giục, kêu gọi của âm nhạc Pháp. Năm 1925, 1926, tại Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã phỏng dịch bài Quốc tế ca (L'Internationale) thành thể thơ lục bát truyền thống để quần chúng có thể hát theo các điệu dân ca người Việt. Sau đó, năm 1929, bài hát được Trần Phú, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Đông Dương, dịch lời sát theo giai điệu, và năm 1930, Lê Hồng Phong chỉnh sửa hoàn chỉnh như bài hát ngày nay.
Đinh Nhu, một chiến
sĩ hoạt động cách mạng (tác giả bài hát mới “Cùng nhau đi Hồng binh” năm 1930)
cũng đã soạn lời Việt theo điệu quốc ca Pháp La Marseillaise. Bài hát lời Việt có tên “Bài ca kêu gọi vô sản làm cách mạng” lời ca như sau:
“Thiếu niên thắt chặt đồng tâm. Đạn đây, súng đây,
Bắn đi quân Hồng! Chúng ta thề quyết một lòng”…
Thế giới cách mạng thành công, Đông Dương Cộng sản thành công.
Cờ bay phấp phới, mới hay búa liềm. Muôn năm vô sản chính quyền.
Bài ca cách mạng
Trung Quốc là Hoàng Phố, cũng được “hát lời ta” với tên gọi: “Kêu gọi dân
nghèo làm cách mạng”… kể cả các bài hát cách mạng khác, trong năm 1930 cũng
được các chiến sĩ cách mạng Việt Nam đặt lời, như bài “Rot Front” (Mặt trận đỏ) của
Đức, bài “Bandiera rossa” (Bài ca Cờ Đỏ) của Ý…
Cũng với nội dung yêu
nước, trong nhà trường, một số thầy giáo đã dùng một điệu hát dân gian của Pháp
là Frère Jacques để soạn thành một
bài ca yêu nước cho học sinh. Nội dung đánh thức người dân Việt đang ngủ vùi
dưới chế độ thực dân[12].
Phong trào Hướng đạo cũng dùng giai điệu
bài này để sáng tác lời Việt có tên “Giờ ăn đến rồi”: “Giờ ăn đến rồi, giờ ăn đến rồi. Mời anh xơi, mời chị xơi. Giơ chén lên
cho cao nào, giơ chén lên cho cao nào. Ta cùng ăn, Ta cùng ăn”. Học sinh
tiểu học hát khi đến giờ ra chơi: “Giờ
chơi đến rồi, giờ chơi đến rồi…”, đến cuối thế kỷ XX vẫn xuất hiện trong
chương ca nhạc thiếu nhi: “Kìa con bướm
vàng, kìa con bướm vàng, xòe đôi cánh…”.
Trong cơn sốt “bài ta theo điệu Tây”, các
nhà báo, nhà văn, nhà thơ trẻ đã đua nhau sáng tác lời Việt theo phong cách,
trào lưu thơ văn lãng mạn thời bấy giờ. Bài C’est
À Capri, tiết điệu Tango với giọng ca Tino Rossi làm say lòng thanh niên
Việt đã được soạn lời Việt, trích phần điệp khúc:
Cũng như C’est À Capri, bài Marinella, tiết điệu Rumba trong bộ phim
cùng tên, với giọng ca Tino Rossi cùng bản in được nhập khẩu thời bấy giờ đã
từng làm mưa làm gió trong giới thanh niên thị thành. Vì vậy, những loại “bài
hát xi nê” này được rất nhiều người soạn lời Việt.
Có một người soạn lời Việt, từng viết rất
nhiều thời cuối những năm 1930 là Nguyễn Gia Thắng. Lời Việt trong bài này, Nguyễn
Gia Thắng đã thay Marinella bằng một cô gái Việt là Mai Hương nào đó; thay sự
mê cuồng, say đắm (“Marinella! Ôi, hãy ở
trong tay anh lần nữa. Anh muốn ở bên em, cho đến khi trời sáng, để nhảy điệu
rumba yêu đương”… - nội dung lời bản gốc) bằng sự ngây thơ với nỗi
niềm đơn phương, mang ảnh hưởng của trào lưu Thơ mới cũng vừa được khởi xướng ở Việt Nam thời kỳ này:
Hay trong một bài khác của Đức Sê-Lô:
Các bài ca Hướng đạo Việt Nam cũng được
dịch hoặc soạn lời Việt theo các điệu hát Hướng đạo quốc tế. Điệu hát La Joie Scoute được soạn lời Việt có tên
“Vui Hướng Đạo đoàn - Điệu La Joie Scoute” in trên báo Phong Hóa số 91, ngày 30/3/1934 ở mục Thơ Mới. Bản nhạc được ký âm
theo phương pháp Âu tây, dù không ghi tên người soạn lời Việt, nhưng theo tư
liệu của Hướng đạo Việt Nam là của Nguyễn Thứ Lễ (tức nhà thơ Thế Lữ).
Bản in trên Phong Hóa:
Chép lại, trích lời
1 và lời 3:
Một
điệu nhạc truyền thống Scotlend là Auld
Lang Syne thường dùng trong sinh hoạt Hướng đạo quốc tế lúc chia tay (tên
tiếng Pháp là Joyeux Aurevoir), đã
được Hướng đạo Việt Nam soạn lời Việt với tên “Tiễn Sói lên Đoàn”. Điệu hát
này, nhà thơ Thế Lữ cũng tham gia soạn lời Việt, trở thành “Bài ca Tạm biệt”
phổ biến trong sinh hoạt lửa trại của Hướng đạo Việt Nam, và cả ở các trường Tiểu học, Trung học phổ
thông thời kỳ sau này trong các dịp chia tay, lễ tốt nghiệp, khi mùa hè đến.
Điệu hát rất phổ biến, đã có nhiều phiên bản nhại lời, đổi ý mà ai trong tuổi
thiếu thời cũng thường nghêu ngao hát, như: “Ò e thằng Kè đánh đu, thằng Cu nhảy dù Dô-Rô bắn súng, chết cha con ma
vào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi”... Điệu nhạc truyền thống
của vương quốc Anh này được nhạc sĩ Robert Burns kí âm lại, soạn lời hát năm 1788 và đã nổi tiếng trên khắp thế giới với nhiều
phong cách trình bày khác nhau: Chậm rãi, trang trọng trong phong cách nghi lễ,
ngậm ngùi tưởng niệm trong tang lễ…; Vui tươi trong dịp đón giao thừa, hát sinh
hoạt cộng đồng… với nhiều cách thể hiện: Đơn ca, hát tập thể, hợp xướng và hòa
tấu khí nhạc. Tại Hàn quốc, trước khi có bài quốc ca chính thức - bài Aegukga, họ đã sử dụng điệu nhạc này làm
quốc ca với tiếng Hàn. Gần đây, năm 1997, trong lễ bàn giao lãnh thổ Hongkong
về cho Trung Hoa lục địa, điệu nhạc này đã vang lên trong nghi thức duyệt binh
do dàn nhạc kèn hơi thể hiện.
Sau đây là trích đoạn giai điệu bài hát
truyền thống Auld Lang Syne do nhạc
sĩ Rober Burns kí âm, được Hướng đạo Việt Nam soạn lời Việt:
Như đã nêu ở trên, điệu hát dân gian Pháp
là Frère Jacques cũng được Hướng đạo
sử dụng trong sinh hoạt của mình bằng lời Việt: “Giờ ăn đến rồi” … Một điệu hát dân gian Hoa Kỳ, bài Clementine cũng được một huynh trưởng
Hướng đạo soạn lời Việt với nội dung yêu nước.
Về sau, nhạc sĩ Phạm Duy đã phỏng dịch nội
dung từ tiếng Anh của điệu hát dân gian trên, cũng rất được phổ biến. Trích ghi:
Trong các nhà Dòng, ban đầu những bài ca nghi lễ, thể loại hợp
xướng 4 bè (soprano, alto, téno, basse) được hát bằng tiếng Latin, nhưng về sau
hầu hết đã được dịch, soạn lời và hát bằng tiếng Việt.
Trích bài số 1, trong tập Thơ-Thánh, được in tại Nhà in Hội Tin
Lành Đông Pháp, phố Nguyễn Trãi, Hà Nội, 1944. Tái bản lần thứ 5, gồm trên 250 bài.
Trong một buổi hát mừng Thiên chúa giáng sinh tháng 12
năm 1929 được quảng cáo trên Hà Thành Ngọ
Báo, ngày 21/12/1929 có đoạn: “Nhiều
điệu hát đạo mà âm nhạc nước nhà; Nhiều điệu hát ta mà âm nhạc ngoại quốc”
cho thấy thời kỳ này, trong mọi lĩnh vực đều thịnh hành lối hát “bài ta điệu
Tây”.
Không những hát và soạn lời ta theo điệu Tây, điệu hát
Ngũ điểm có nguồn gốc từ âm nhạc dân
gian Triều Châu, Trung Quốc mà hát Chèo Cải lương Việt hóa… cũng được ký âm
theo phương pháp châu Âu và soạn lời với tên “Bài hát chú khờ”. Bài hát gồm cả nhạc
và lời in trên báo Phong Hóa, số 87, từ
tháng 3/1934:
Ngoài điệu Ngũ điểm, điệu Mãi tạp hoá cũng là một điệu hát của Trung Hoa
được nhiều người soạn lời ta.
Đó là bài “Anh hùng xưa”, với lời ca: “Anh
hùng xưa, nhớ hồi là hồi niên thiếu. Dấy binh lấy lau làm cờ, quên mình là mình
giúp nước”, và bài “Trăng mây” được Thế Lữ và Tú Mỡ soạn “lời ta theo điệu
Tàu” cho trẻ em, năm 1935: “Trăng kìa
trăng dưới trời là trời xanh sáng…”[13] cũng
được học sinh các trường tiểu học hát, và còn được đặt thêm lời mới với nội
dung khác, là: “Con cóc nó ngồi trong
hốc, nó xoay cái lưng ra ngoài - Ấy là con cóc. Con cóc nó ngồi trong hốc, nó
xoay cái lưng ra ngoài - Ấy là cóc con”…
Bản in trên Phong Hoá ngày 24 tháng 5 năm
1935
Đầu những năm 1940, thời Nhật chiếm đóng, ngoài những bài hát Tây có thêm một số bài hát phổ biến tại Việt Nam như Hà nhật quân tái lai (Bao giờ anh trở lại) của Trung Hoa và bài Shina No Yoru (China nights) của Nhật Bản. Shina No Yoru dịch là “Đêm Trung Hoa”, nhưng người soạn lời Việt lấy tên là Tô Châu Dạ khúc, Chiều Tô Châu. Bản “bài ta điệu Nhật” này đến 1955 mới xuất bản tại Sài Gòn:
Shina No Yoru cũng được nhà thơ Nguyên
Sa soạn lời Việt với tên Tô Châu Dạ khúc,
nhạc sĩ Y Vân soạn lời Việt lấy tên là Người
đẹp Tô Châu, còn bài Hà nhật quân tái
lai của Trung Hoa được nhạc sĩ Văn Chung phỏng dịch lời Việt…
Công chúng khán giả đã tìm thấy sự mới lạ
trong ngôn ngữ âm nhạc phương Tây so với nhạc cổ truyền. Có người cho rằng
trong khi nhạc Việt Nam vốn yếu đuối và chỉ cho thấy rất ít ý chí, thì nhạc Tây
thật là “mạnh mẽ và đầy tinh thần”. Phong trào “lời ta theo điệu Tây” là thời kỳ
phôi thai trong sự hình thành dòng Nhạc mới (Tân nhạc) Việt Nam, đã có tác dụng
truyền bá thể loại nhạc nhẹ phương Tây ở các đô thị nước ta một cách khá nhạy
bén và hiệu quả, đã dần dần làm thay đổi thị hiếu của công chúng thanh niên ham
thích sự mới lạ đến từ phương Tây. Có thể nói, phong trào soạn và hát lời Việt
theo điệu nước ngoài là bước khởi đầu cho việc chủ động “Việt hóa” âm nhạc
phương Tây, bắc cầu cho sự hình thành
nên trào lưu Tân nhạc (Nhạc cải cách) Việt Nam về sau.
(Hết phần
II)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-Thụy Loan
(1993), Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nxb
Âm Nhạc, Hà Nội.
-
Phạm Duy (2017), Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu, Nxb Thế Giới, Hà Nội.
-
Hoàng Dương (2002) - Chủ biên, Phạm
Tuyên, Hồ Quang Bình, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Tân nhạc Hà Nội từ đầu TKXX đến 1945 Hình thành và phát triển, Hội Âm
nhạc Hà Nội.
- Vương Hồng Sển (1968), Hồi ký 50 năm mê hát…, Nxb Phạm Quang Khai, Sài Gòn.
- Nhạc Tiền Chiến (1970), Nxb Kẻ Sĩ, Sài Gòn.
- Thơ -Thánh (1944), Nhà in Hội Tin Lành Đông Pháp, Hà Nội, Tái bản lần thứ 5.
- Vĩnh Phúc (2011), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam qua báo chí nửa sau TK XX, Nxb Thuận
Hóa, Huế.
- Vĩnh Phúc (2017), Nghiên
cứu, Phê bình âm nhạc truyền thống Việt Nam, Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội.
- Hà thành Ngọ báo, Hà Nội, các số năm 1927,
1933, 1934,1936.
- Phong Hóa, Hà Nội, các số năm 1934, 1935.
- Khai hóa Nhật báo, SG, số 19, tháng 6 năm 1925
- Ngày Nay, Hà
Nội, các số từ năm 1937 – 1940.
- Tân Văn tuần báo, Sài Gòn, các số năm 1935.
- Thư viện Quốc gia Việt Nam, nguồn: http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/
- Tràng An, Huế, các số năm 1935 – 1938.
- Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội, năm 1940
- Văn Hóa Nguyệt San, Hà Nội, 1953.
- Phạm Duy (2002), Khái quát về Tân nhạc Việt Nam, Nguồn: https://phamduy.com/vi/van-nghien-cuu/khai-quat-ve-tan-nhac-viet-nam/5448-thoi-ky-chuan-bi-giua-thap-nien-30.
- Jason Gibbs (2006), Bài Tây, bài ta: Khúc dạo đầu và chuyển thể
của ca khúc phổ thông Tây phương ở Việt Nam trước 1940, Nguyễn Trương Quý dịch, nguồn : http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6803&rb=0206
-Tonkin du
sud: Hanoi - Paris: Comité de l'Asie française, 1907. Theo
http://taybui.blogspot.com/2017/02/musique-hanoienne-am-nhac-hanoi-1907.html
Chú thích
[1] Thẩm Oánh (1953), Sức tiến triển của nền Việt nhạc, Văn Hóa Nguyệt San, Hà Nội, số 13, tr. 255. (Chú thích: Bài diễn thuyết ngày 4/12/1952 tại giảng đường trường Đại học - Hà Nội do Bộ Q.G.G.D. tổ chức).
[2] Hoàng Dương - Chủ biên, Phạm Tuyên, Hồ Quang Bình, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh (2002), Tân nhạc Hà Nội từ đầu TKXX đến 1945 Hình thành và phát triển, Hội Âm nhạc Hà Nội, tr. 66.
[3] Vương Hồng Sển (1968), Hồi ký 50 năm mê hát…, Nxb Phạm Quang Khải, Sài Gòn, tr. 93. Một số tài liệu khác ghi là:
- Nguyễn Văn Tố (Hoàng Chương, Tân nhạc Hà Nội.., Sđd);
- Nguyễn Văn Tộ (Thẩm Oánh (1953), Sức tiến triển của nền Việt Nhạc, Văn Hóa Nguyệt San, số 13, Hà Nội, tr. 254);
- Nguyễn Văn Tệ (Jason Gibbs (2006), Bài Tây, bài ta: Khúc dạo đầu và chuyển thể của ca khúc phổ thông Tây phương ở Việt Nam trước 1940, Nguyễn Trương Quý dịch, nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6803&rb=0206
[4] Hà thành Ngọ báo, số 172, ngày 30/11/1927
[5] Jason Gibbs (2006), Bài Tây, bài ta… bài từ nguồn đã dẫn, như trên.
[6] Vương Hồng Sển (1968), sđd, tr.177.
[7] Jason Gibbs (2006), Bài Tây, bài ta: Khúc dạo đầu.. bài theo nguồn đã dẫn.
[8] Côn Sinh, Lối hát cải lương Trần Đắt hay là…Lối ca bài ta theo điệu âm nhạc Tây, Ngọ Báo, Hà Nội, 11-5. 1933.
[9] Nguyễn Xuân Khoát –Nguyên phụ-giáo trường Âm-nhạc Viễn-Đông, Lối hát bài ta theo điệu Tây có hợp mỹ-thuật không?, Ngọ báo, Hà Nội, 14-7-1933.
[10] NPT, Ngó qua kịch-giới nước nhà, Ngọ báo, Hà Nội, 17-03-1934.
[11] Tiêu Diêu Tử, Đông, Tây có thể gặp nhau ở những bài hát hay khúc đờn không?, báo Tràng An, Huế, số 16, 23/4/1935, tr.2.
[12] Theo Phạm Duy (2002), Khái quát về Tân nhạc Việt Nam, Nguồn : https://phamduy.com/vi/van-nghien-cuu/khai-quat-ve-tan-nhac-viet-nam/5448-thoi-ky-chuan-bi-giua-thap-nien-30.
[13] Bài “Anh hùng xưa” có tài liệu cho là một sáng tác mới của Lưu Quang Thuận, một số tài liệu khác cho là của huynh trưởng Hướng Đạo Hoàng Đạo Thúy. Nhưng đây là giai điệu của điệu hát “Mãi tạp hoá” của Trung Hoa đã được soạn lời Việt mà thôi. Thế Lữ và Tú Mỡ cũng đã soạn “lời ta điệu Tàu” điệu hát này dành cho trẻ em, in trên báo Phong Hoá ngày 24/5/1935.
Nguồn: Nhạc Việt, số 21, 12/2021