Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

ĐÔI ĐIỀU VỀ BẢN QUỐC CA TRIỀU NGUYỄN

                                                                     VĨNH PHÚC

Dưới thời Khải Định (1916 – 1925), năm 1919 nhà vua cho lập một dàn nhạc kèn hơi theo kiểu Pháp để làm công tác đối ngoại, phục vụ cho các nghi lễ do triều đình tổ chức như các buổi đón khách, tiếp sứ…Dàn nhạc thường cử hai bài quốc ca Pháp (Marseillaise) và quốc ca Nam triều… Dàn nhạc kèn hơi này gồm có 35 nhạc công vừa sử dụng các loại kèn của phương Tây và cả nhạc cụ dân tộc do ông Trần Văn Liêu làm nhạc trưởng.[1]
Việc quốc ca Nam triều từ thời vua Khải Định đã được nhiều tài liệu cho là một bài bản đại nhạc rất phổ biến thường được tấu lên khi vua đăng đàn và xa giá hồi cung trong lễ tế Giao, tế Xã tắc… ở cung đình, hoặc ban nhạc lễ ngoài dân gian, là bài Đăng đàn cung. Bài bản Đăng đàn cung này được nhiều tài liệu cho là quốc ca triều Nguyễn với lời ca của Ưng Thiều là:
“Dậy, dậy, dậy mở mắt xem toàn châu
Đèn khai hóa rạng khắp hoàn cầu
Ngọn đường thông thương ngàn dặm, xe tàu điện, tàu nước, tàu bay
Nghề khôn khéo chạy khắp phương trời
Càng ngày văn minh càng rộng, tranh cạnh lợi quyền”…

            Điệu hát truyền thống này từ trước đã được nhiều người soạn lời mới. Lời mới trên là của Nguyễn Trung Phán soạn và ký âm theo phương pháp cổ truyền, được in trong cuốn “Dạy hát tiếng Nam” cho học sinh học hát với tên là “Có học mới hay”, do nhà in Tiếng Dân tại Huế in lần thứ nhất năm 1925 và tái bản năm 1929. 


            Lời 2:
Người Nam Quốc, một giống Tiên Rồng,
Thiệt giòng giai nhân tài tử, xưa rày gọi là nước tài ba.
Nền văn hiến, nặn đúc anh hùng,
Sẵn tài thông minh trời dựng, thêm nghề học hành.
Học càng ngày càng tiến, nghề nghiệp mở rộng.
Nước càng giàu càng mạnh, nòi giống thêm vẻ vang

Điệu “Đăng đàn cung” này rất phổ biến trong dân gian, nên từ những năm 1930 đã được soạn lời mới phục vụ cho tuyên truyền đấu tranh cách mạng, lấy tên là “Tiến quân”, do nhạc sĩ Lê Quang Nghệ sưu tầm tại Nghệ Tĩnh:

… “Kìa thân thế cực xiết bao vành.

Nỗi niềm ta sao đành chịu

Mau lo liệu đoàn kết từ đây

Người binh lính, kẻ thợ, dân cày

Lợi quyền ta nay giành lại”…

Bài “Mừng ngày Phật đản" của Ưng Bình Thúc Giạ năm 1936: 

“Vui mừng gặp ngày nay mồng tám tháng tư.

Là khánh tiết Phật Thích Ca Ngài”…

Hoặc bài “Hồng Lạc ca” cũng của Ưng Bình Thúc Giạ năm 1940:

“Dân Hồng Lạc mình đây đã bốn ngàn năm

Gây non nước từ trước lâu dài

Ngọn cờ Hoa Lư ngời rạng

Đinh, Lê rồi lại Lý, Trần, Lê”…

v.v…

Đã có nhiều tác giả vẫn nhầm là quốc ca triều Nguyễn và đã trích dẫn vào các tài liệu, khảo cứu của mình.[2]  Trẻ con ngày xưa cũng thường hát chơi trên điệu hát này là: “Chè xôi chuối để cúng ông bà, thịt gà rô ti, thịt vịt, tôm, cua, đậu xào” v.v. và v.v… Vì vậy, việc xác định bài Đăng đàn cung là quốc thiều Việt Nam có từ thời vua Khải Định, đã gây ra sự nhầm lẫn, lẫn lộn kéo dài.
Trong một số bài viết, một số trang mạng, bản nhạc Đăng đàn cung cũng thường được khẳng định là Quốc thiều triều Nguyễn:
Xem thêm: “Huế tấu Đăng đàn cung đón Nhật hoàng và Hoàng hậu” 4/3/2017. Nguồn:
            Trong âm nhạc cung đình triều Nguyễn, hệ thống bài bản thuộc dàn Đại nhạc, có nhóm bài bản “Đăng đàn”, đó là những điệu nhạc khác nhau, được quy định chức năng của từng điệu như sau:
            - Đăng đàn đơn và một số điệu khác…: Tấu khi vua lạy trong các cuộc tế lễ của triều đình; Đăng đàn kép: Khi vua lạy tạ trong lễ tế Miếu; Đăng đàn cung: Tấu khi vua xa giá hồi cung trong các cuộc lễ tế Giao, tế Miếu… v.v…
Đăng đàn cung là điệu nhạc do kèn Bầu (kèn Dăm, kèn Bóp) diễn tấu trong dàn Đại nhạc (Cổ xúy=trống, kèn). Trong các tế lễ trọng đại không dùng cho dàn Tiểu nhạc (ty trúc=dây, sáo….):
Điệu Đăng đàn cung cho Kèn, trích đường nét giai điệu chính:

Trong một tập sách giới thiệu quốc kỳ, quốc huy và quốc ca của Pháp và ba nước Đông Dương là “Hymnes & pavillons d'Indochine” in tại nhà in Viễn Đông của Pháp (D'Extrême Orient) tại Hà Nội tháng 12 năm 1941, hiện  lưu trữ tại Thư viện quốc gia Pháp. Ngoài quốc kỳ, quốc huy còn in các bản quốc ca của Pháp, Việt Nam (Annam), Campuchia (Cambodge) và Lào (Laos)  theo bản ký âm ngũ tuyến.



                                                                  Trích 
Quốc ca Campuchia

Trích Quốc ca Lào

Bài quốc ca An nam chính thức có tên là “Đăng đàn” -  (Hymne National Annamite) vào thời Bảo Đại (1925 – 1945). Tuy nhiên, bản nhạc này được phỏng soạn theo khuôn mẫu bài Đăng đàn đơn trong hệ thống các bài bản “Đăng đàn” của Đại nhạc chứ không phải Đăng đàn cung
Bài hát kí âm theo phong cách âm nhạc phương Tây, nhưng không ghi tên tác giả chuyển soạn và ký âm. (Có thể, bài này mới do Nguyễn Hữu Hối ghi nhạc, Trần Như Tú phối âm, phối khí và sau đó được Nguyễn Phúc Ưng Thiều soạn lời cho học sinh hát để đón Bảo Đại từ Pháp về năm 1932) Trong bản in, trang tổng phổ ghi là “Đăng đàn”, phần dàn nhạc được rút lại cho đàn piano với phần đệm của dàn nhạc hoàn toàn theo phong cách hòa âm công năng chiều dọc của âm nhạc châu Âu; Bài hát được soạn ở giọng Đô thứ tự nhiên, hòa âm tiến hành bằng các hợp âm năm chính I, IV, V và hợp âm phụ là II7 và VIItn… Ở trang lời ca có ghi chú: “Văn bản sáng tác cho học sinh được hát trên (trong ngày) Vạn Thọ
Bản nhạc Đăng đàn được ký âm theo phương pháp năm dòng kẻ, gồm nhạc  và lời đã xuất bản sau:
Bài quốc ca Việt Nam in trong “Hymnes & Pavillons D’Indochine”, D'Extrême Orient, Hà Nội, 1941. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque national de France): http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5848625d/f29.image
Trong trang in lời ca lại in là Đăng-đàn-cung (Điệu Quốc-ca) Hymne National Annamite:
Nguồn: http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5848625d/f30.image
Bản nhạc “Đăng đàn” trên phỏng soạn theo âm điệu truyền thống bài Đăng đàn đơn được Bảo Đại kế thừa từ vua cha Khải Định và chỉ cải tiến bản quốc thiều cho “hiện đại” theo phong cách phương Tây mà thôi…
Trích giai điệu Đăng đàn đơn trong hệ thống đại nhạc cung đình để tiện so sánh:
Chính phủ Trần Trọng Kim, do Nhật dựng lên, dù chỉ tồn tại gần 5 tháng, trong tháng 4.1945 với dự thảo kiện toàn chính phủ mới, cũng đã quyết định tiếp tục lấy bài Đăng đàn làm quốc ca: “ Bài quốc ca thì từ trước vẫn dùng bài “Đăng Đàn” là bài ca rất cổ, mà âm điệu nghe nghiêm trang. Chúng tôi nghĩ: trước khi có bài nào hay hơn và có nghĩa lý hơn thì hãy cứ dùng bài ấy”.[3]
Với tư liệu trên, có thể “minh oan” cho bản quốc ca triều Nguyễn, một thời gian dài được gán cho điệu nhạc Đăng đàn cung truyền thống.
                                                                                     Vĩnh Phúc



[1] Dương Quang Thiện (1995), Sử liệu lịch sử âm nhạc Việt Nam, Nxb Viện Âm nhạc và Múa, Hà Nội.  tr.31-34.

[2]  Vĩnh Phúc (Bùi Ngọc Phúc), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam qua báo chí nửa sau TK XX, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2011, tr. 85.
[3] Trần Trọng Kim (1969), Một cơn gió bụi  (Kiến văn lục), NXB Vĩnh Sơn, SG.